(TSVN) – Sáng 29/10/2022, Bộ NN&PTNT có cuộc họp về Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Có 10 vấn đề được đặt ra để tập trung làm rõ, trước khi trình dự thảo phê duyệt.
Vấn đề thứ nhất, phân định rõ quy hoạch cảng và khu neo đậu; quy hoạch cảng cá phải gắn chặt với quản lý đội tàu, nhằm đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác. Quy hoạch hệ thống cảng cá trước đây đã lộ sự không tương xứng với đội tàu, như tàu có chiều dài trên 24 m trước đây chưa có, nay gần 3.000 chiếc không thể vào những âu tàu xây dựng từ những năm 2010. Hệ thống dịch vụ ở các cảng cá trước đây chủ yếu phục vụ hoạt động khai thác nhỏ lẻ, manh mún nay không còn đáp ứng được nhu cầu hiện đại.
Vấn đề thứ 10, quy hoạch tăng số cảng cá từ 125 lên 172, trong đó có 37 cảng cá loại 1 còn phần lớn loại 3. Quy hoạch làm rõ các tiêu chí của từng cảng, công suất hiện tại trên tổng công suất thiết kế và trách nhiệm quản lý. Mục tiêu nhằm quản lý toàn bộ số tàu cá còn 83.600 chiếc vào năm 2030 và truy xuất nguồn gốc 2,95 triệu tấn mỗi năm, gồm toàn bộ hải sản khai thác và một phần nuôi biển.
Điều 78 Luật Thủy sản 2017 quy định, cảng cá nước ta có 3 loại. Lớn nhất là loại 1 có diện tích vùng đất cảng hơn 4 ha, vùng nước hơn 20 ha, đủ sức đón từ 120 lượt tàu mỗi ngày để bốc dỡ từ 25.000 tấn hải sản trở lên mỗi năm. Miền Trung tập trung nhiều cảng cá nhất, tính cả hải đảo có 82 cảng (15 loại 1, 37 loại 2, 30 loại 3) và cũng có nhiều khu neo đậu, với 74 khu trong 161 khu của cả nước. Theo Luật Thủy sản 2017, hiện cả nước mới có 68 cảng đủ tiêu chuẩn công bố gồm 3 cảng loại 1, 54 cảng loại 2 và 11 cảng loại 3.
Khu neo đậu tránh trú bão có 2 loại, cấp vùng và cấp tỉnh. Cấp vùng có diện tích trên cạn và dưới nước tối thiểu 10 – 15 ha, đậu được ít nhất 1.000 tàu, cả tàu trên 24 m và tàu cá nước ngoài. Cấp tỉnh có diện tích tối thiểu 1,5 – 3 ha, đậu được ít nhất 100 tàu.
Đáng chú ý vấn đề thứ 9, xác định nước ta có 5 ngư trường lớn là Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu và Kiên Giang. Hải Phòng gắn với ngư trường Vịnh Bắc bộ; Đà Nẵng gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa; Khánh Hòa gắn với ngư trường Nam Trung bộ và Trường Sa; Bà Rịa – Vũng Tàu gắn với ngư trường Đông Nam bộ và Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam bộ. Ở 5 ngư trường có 5 cảng cá động lực, trong đó lớn nhất là cảng Tắc Cậu ở Kiên Giang quy hoạch kết hợp khu neo đậu tránh trú bão ở sông Cái Lớn, Cái Bé có thể bốc dỡ 250.000 tấn thủy sản mỗi năm. Dự thảo Quy hoạch xác định cảng cá động lực bốc dỡ 100.000 tấn hải sản một năm, diện tích vùng đất cảng từ 15 ha, vùng nước hơn 50 ha, có thể đón tàu dịch vụ trọng tải 5.000 DWT.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan mong muốn quy hoạch hệ thống cảng cá sẽ góp phần thay đổi diện mạo ngành, giúp thủy sản phát triển bền vững theo hướng tăng nuôi trồng, giảm khai thác. Từ xây dựng quy hoạch tổng thể tiến tới ban hành bộ quy định về kinh tế kỹ thuật, đầu tư công. “Cảng không chỉ là nơi để cá lên mà còn hướng tới mô hình cảng cá xanh, phát triển du lịch tại cảng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.