T3, 31/10/2023 11:17

“Rào cản” nghề nuôi biển

(TSVN) – Triển lãm công nghệ thủy sản Aqua Nor vừa diễn ra vào tháng 8/2023 tại Trondheim là một sự kiện ấn tượng và chuyên nghiệp. Trong chương trình hội thảo, các chuyên gia không chỉ bàn bạc về nuôi cá hồi, mà còn về rong biển, cá rô phi và nuôi tôm.

Từ một sự kiện chuyên ngành cá hồi, Aqua Nor đã bắt kịp xu hướng nuôi trồng thủy sản (NTTS) toàn cầu và mở rộng sang đối tượng quan trọng khác. Nhờ đó, sự kiện thu hút sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp từ châu Á và Nam Mỹ. Tuy nhiên, số người tham dự Aqua Nor 2023 từ Mỹ lại rất ít, chỉ với 8 doanh nghiệp. 

Thương mại thủy sản Mỹ thâm hụt 2 triệu tấn (24,9 tỷ USD) năm 2021 và phải nhập khẩu hơn 3,3 triệu tấn (30,2 tỷ USD) các loại cá, chiếm 90% tổng sản lượng thủy sản mà người Mỹ tiêu thụ. Một nửa lượng thủy sản nhập khẩu này có nguồn gốc nuôi trồng. Năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của Na Uy. Chỉ tính riêng nửa đầu năm 2023, Mỹ nhập khẩu 6,9 tỷ NOK thủy sản Na Uy, tương đương 690 triệu USD, tăng 33,8% so cùng kỳ năm 2022. Nhờ đó, Mỹ vươn lên vị trí thứ 3 trong danh sách các thị trường thủy sản lớn nhất của Na Uy. Dẫn đầu vẫn là thị trường EU nhưng chỉ đạt tăng trưởng 16,3%, mặc dù xuất khẩu thủy sản Na Uy sang EU chiếm tới 57,8% tổng kim ngạch xuất khẩu tính theo giá trị. 

Trong khi đó, nhu cầu thủy, hải sản tươi và bền vững tại Mỹ không ngừng tăng, nhưng sản xuất nội địa không đủ đáp ứng nhu cầu. Phát triển nuôi thủy sản tại Mỹ có thể thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo việc làm, nhưng ngành NTTS của Mỹ tăng trưởng rất khiêm tốn. Do đó, Mỹ ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong nước, kéo khoảng cách ngày càng xa giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Nuôi trồng dường như là công cụ duy nhất để tăng sản lượng thủy sản nội địa, nhưng tại sao Mỹ lại không đầu tư mạnh vào lĩnh vực này? 

Sản lượng thủy sản nuôi của Mỹ tăng cho đến năm 2003, nhưng kể từ đó giảm dần, đặc biệt là thủy sản nước ngọt. Nuôi trồng ở vùng nước mặn tăng lên phần nào, trong khi nuôi trồng ở vùng nước lợ lại rất hạn chế. Nhìn chung, sản xuất thủy sản đình trệ trong những năm gần đây từ mức đỉnh 600.000 tấn vào năm 2003. Tổng sản lượng NTTS năm 2021 chỉ dưới 450.000 tấn, một con số quá khiêm tốn so với tiềm năng. Tại bang Alaska, tất cả hoạt động nuôi biển đều bị cấm, còn những nơi khác thì hoạt động không mấy thành công. 

Mỹ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nuôi biển xa bờ như khu vực biển rộng lớn với độ sâu và nhiệt độ thích hợp. Nhưng thực tế, ngành nuôi biển ở Mỹ vẫn thua xa nhiều quốc gia khác. Nguyên nhân có thể do lo ngại tác động xấu đến môi trường, thiếu khung chính sách hợp lý trong khâu cấp phép và quản lý nuôi biển xa bờ. Nhiều người Mỹ đang cố gắng nuôi cá biển, chủ yếu là cá hồi RAS trên cạn, nhưng đến nay vẫn gặp nhiều vướng mắc. Để đáp ứng nhu cầu thực phẩm, đặc biệt là thủy sản, các nước như Mỹ phải phát triển ngành NTTS trên biển trong những năm tới. Do đó, những người tâm huyết với nghề NTTS tại quốc gia này sẽ tìm đến các sự kiện công nghệ thế giới, để có thêm ý tưởng phát triển ngành nuôi biển trong nước. 

ERIK HEMPEL
The Nor-Fishing Foundation

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!