Khi Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump tuyên bố sẽ thoái lui TPP, thì một vài đối tác thương mại của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương lại đang trông chờ vào một hiệp định khác – được coi là “thế thân” của TPP là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Mặc dù luôn được ví von là một kế hoạch chống lưng cho Trung Quốc, nhưng RCEP lại bắt nguồn từ một nỗ lực tạo dựng thỏa thuận thương mại tự do cá nhân giữa các nước Đông Nam Á (ASEAN) và 6 quốc gia khác gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Trung Quốc có thể trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn nhất trong khối.
Hiệp định này mang một màu sắc và hơi thở hoàn toàn khác TPP ở chỗ sẽ tập trung xóa bỏ rào cản thuế quan và rào cản thương mại trong dịch vụ, đầu tư nhưng lại không can thiệp quá sâu vào bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các tiêu chuẩn lao động và môi trường; đảm bảo tự do cạnh tranh trong mua bán công, và đồng thời hạn chế các doanh nghiệp công. Điều này khiến hiệp định này có sức hấp dẫn riêng với Trung Quốc, vốn đã phải chật vật đáp ứng luật lệ của TPP.
Hiệp định RCEP đang có tiềm năng mở rộng hơn khi gần đây Peru đã ngỏ lời muốn gia nhập sau khi TPP đổ vỡ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Du lịch của Peru, ông Eduardo Ferreyros Kuppers chia sẻ rằng, phía Peru chưa đưa ra quyết định cuối cùng mà vẫn đang trong quá trình đàm phán.
Việc Mỹ quay lại TPP đã trở thành một hy vọng quá mong manh khi mà ông Trump, mới đây đã cho phát một video khái quát toàn bộ kế hoạch trong 100 ngày đầu tiên làm Tổng thống Mỹ; trong đó kế hoạch rút chân ra khỏi TPP sẽ được thực hiện ngay từ những ngày đầu tiên ông làm Tổng thống. Mặc dù, Nhật Bản là một trong những quốc gia đàm phán để xây dựng khối RCEP, nhưng nước này vẫn nghiêng về TPP hơn vì sự có mặt của Trung Quốc có thể sẽ châm ngòi những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và quyền sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, gạt câu chuyện của nước phát triển sang một bên, chúng ta sẽ thấy rõ ngoài Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Myanmar sẽ là những nước được hưởng nhiều lợi ích từ RCEP. Theo kết quả cuộc khảo sát của Cơ quan Nghiên cứu kinh tế toàn cầu (EIU), do ngân hàng AZN tài trợ, hầu hết các doanh nghiệp của 3 quốc gia nói trên đều đặc biệt quan tâm và thích thú với những cơ hội thương mại do RCEP mang lại. Điều hấp dẫn nhất đó chính là cơ hội tiếp cận rộng mở thông qua thỏa thuận thương mại tự do với thị trường khổng lồ Trung Quốc mà vẫn có thể tránh được việc gia tăng chi phí. Với riêng mặt hàng thủy sản, chắc chắn tôm nguyên liệu của Ấn Độ và Việt Nam sẽ gặp nhiều thuận lợi khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và có thể kích thích cả quá trình xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến tại Trung Quốc quay lại Việt Nam.