T5, 08/12/2022 04:03

Sản phẩm thủy sản giữ “ngôi vương”

(TSVN) – Giá trị thương mại thủy sản toàn cầu đạt tầm cao mới vào năm 2021 và sự phục hồi mạnh mẽ này sẽ kéo dài đến hết năm 2022. Các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu đã phục hồi hoàn toàn, trong khi Trung Quốc đang dần trở lại mức nhập khẩu như trước đại dịch. Các hãng NTTS chất lượng cao, đặc biệt là tôm và cá hồi đã thắng đậm liên tiếp.

Thủy sản là một trong những thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên thế giới, với nhu cầu dự kiến tăng 15% trong thập kỷ tới. Đây là nhóm protein được buôn bán nhiều nhất với giá trị thương mại gấp 3,6 lần thịt bò, 5 lần thịt heo và gấp 8 lần gia cầm. Năm 2021, giá trị thương mại thủy sản toàn cầu tăng 13 tỷ USD, lập kỷ lục mới hơn 164 tỷ USD.

Trung Quốc và Mỹ là những động lực đằng sau sự tăng trưởng của thương mại thủy sản toàn cầu. Mỹ là thị trường có tốc độ nhập khẩu thủy sản tăng nhanh nhất, bởi nhu cầu bùng nổ của nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi đối với các sản phẩm bền vững và lành mạnh. Thương mại thủy sản ở Mỹ năm 2021 đã phục hồi ngoài dự kiến do xu hướng tiêu dùng tại nhà vẫn được duy trì cộng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các kênh dịch vụ ẩm thực. Đây là hai yếu tố khiến cho lượng nhập khẩu thủy sản tăng đỉnh điểm, trong đó có nhiều mặt hàng giá trị cao. Nhu cầu tiêu dùng thủy sản tại Mỹ còn tiếp tục tăng và ổn định trong thời gian tới.

Trong ngắn hạn, khối lượng nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc sẽ không tăng đáng kể và ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại thủy sản toàn cầu. Đại dịch COVID-19 vẫn là rào cản lớn nhất đối với hàng hóa thủy sản nhập khẩu tại thị trường này. Tuy nhiên, các giải pháp mà Trung Quốc đang áp dụng để bảo vệ thị trường trước đại dịch chỉ là tạm thời và nhập khẩu sẽ trở lại mức bình thường trong dài hạn.

Cá hồi nuôi là sản phẩm protein luôn giữ “ngôi vương” suốt thập kỷ qua nhờ nhu cầu tiêu thụ các loại thực phẩm lành mạnh và tiện lợi không ngừng tăng, đặc biệt tại châu Âu và Mỹ. Giá trị thương mại cá hồi giảm vào năm 2020 do đại dịch nhưng đã tăng trở lại khi người tiêu dùng vẫn tiếp tục duy trì xu hướng ăn uống tại nhà nhiều hơn. Sau đại dịch, giá trị thương mại cá hồi được thúc đẩy nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh và nguồn cung hạn chế. Do đó, tăng sản lượng đầu ra là điều cần thiết để thương mại cá hồi tiếp tục tăng trưởng.

Tôm là mặt hàng thủy sản được buôn bán nhiều nhất, với chu kỳ sản xuất nhanh nên nhà xuất khẩu dễ ứng phó trước sự thay đổi của thị trường. Thương mại ngành tôm đang trong thời kỳ thay đổi và đã có những sự chuyển biến mạnh mẽ. Sau khi nhu cầu và nguồn cung đều đạt kỷ lục vào năm 2021, giá tôm đã giảm kể từ quý II/2022. Nhu cầu và giá tôm đồng loạt đi xuống trong khi chi phí khác như thức ăn, vận chuyển, năng lượng vẫn cao và tác động đến lợi nhuận của nông dân.

Hiện nhu cầu tiêu thụ tôm vẫn đang đi xuống và có thể gây ra sự suy giảm thương mại trong ngắn hạn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tin tưởng vào sức tăng trưởng của ngành tôm về lâu dài. Ngành công nghiệp này có điểm tựa vững chắc đó là nhu cầu tiêu dùng bền vững và mạnh mẽ, bởi đây là một sản phẩm thủy sản lành mạnh, tiện lợi và phổ biến trên phạm vi toàn cầu.

Chuyên gia phân tích thị trường thủy sản tại Rabobank

Novel Sharma

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!