Trong một cuộc hội thảo về chuỗi sản xuất tôm sạch bệnh phục vụ xuất khẩu tại TP Hồ Chí Minh vào đầu tháng trước, người đứng đầu Cục Thú y Việt Nam, trực thuộc Bộ NN&PTNT đã đưa ra những nhận định khá thẳng thắn về thực trạng ngành tôm Việt Nam.
Nhiều năm gần đây, doanh thu từ hoạt động xuất khẩu tôm tăng đáng kể nhưng chính điều này lại khiến nhiều công ty tôm “ngủ quên trên chiến thắng” mà không biết rằng ngành tôm vẫn đang phải đối mặt với vô số thách thức; đó là các rào cản thương mại mới, sự thay đổi tiêu cực của thời tiết và diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp.
Các quốc gia nhập khẩu tôm không ngừng xây dựng hàng rào kỹ thuật ngày một khắt khe hơn để ngăn chặn dòng chảy của sản phẩm tôm bệnh và tôm chứa tồn dư kháng sinh vào thị trường của họ. Đây chính là mối đe dọa lớn nhất với hệ thống xuất khẩu tôm hiện nay của Việt Nam.
Gần đây, 6 thị trường nhập khẩu tôm lớn trên thế giới gồm Australia, Hàn Quốc, Ả Rập Saudi, Trung Quốc, Brazil và Mexico đồng loạt tuyên bố chỉ mua sản phẩm tôm đạt Chứng nhận sạch bệnh theo bộ tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE); hoặc những sản phẩm được công nhận sạch bệnh bởi các tổ chức, cơ quan do OIE ủy quyền. Thực tế, 6 thị trường nói trên chiếm 25% khối lượng xuất khẩu tôm của Việt Nam, tương đương trị giá 800 triệu USD (701 triệu EUR) hàng năm. Nếu bị đánh bật khỏi những thị trường này, ngành tôm Việt sẽ chịu tổn thất không hề nhỏ.
Các công ty xuất khẩu tôm và nhà máy chế biến chắc chắn sẽ rất lo lắng về những tiêu chuẩn yêu cầu trong Chứng nhận sạch bệnh. Đáp ứng được những tiêu chuẩn này không đơn giản, nếu không muốn nói là quá khó trong khoảng thời gian ngắn. Theo tập đoàn Việt – Úc (một đơn vị sản xuất và xuất khẩu tôm uy tín và quy mô lớn tại Việt Nam), tỷ lệ sống của tôm nuôi tại Việt Nam rất thấp, chỉ 25 – 30% do kiến thức về kỹ thuật nuôi của người nông dân còn khá hạn hẹp. Từ trước tới nay, tôm Việt Nam chủ yếu vẫn cạnh tranh bằng lợi thế giá bán và những luật lệ mới ra đời đồng nghĩa đường xuất ngoại của con tôm sẽ trở nên khó khăn hơn, bởi khi đó chất lượng mới là “tấm vé” duy nhất để con tôm thâm nhập được thị trường xuất khẩu. Đây cũng chính là sức ép lớn, buộc ngành tôm Việt phải thay đổi nếu không muốn đánh mất thị trường xuất khẩu.
Hiện nay, những công ty tham gia chương trình nuôi tôm sạch bệnh ở Việt Nam chỉ có Việt – Úc và Huy Long An. Với quy mô sản xuất trung bình hoặc nhỏ, người nông dân Việt và các công ty nhìn chung vẫn chưa mặn mà với các chiến lược xây dựng mô hình hoặc hệ thống nuôi tôm sạch bệnh. Nhưng nếu ngành tôm Việt vẫn cứ tiếp tục duy trì đi theo phương thức sản xuất cũ như hiện nay và không nhanh chóng thực hiện các giáp pháp đồng bộ quốc gia, thì các công ty xuất khẩu tôm chắc chắn sẽ đối mặt rất nhiều khó khăn và phải trông chờ vào sự cứu giúp của Chính phủ. Hãy thay đổi ngay từ bây giờ – sớm còn hơn muộn!