(TSVN) – Bất chấp hàng loạt thách thức, châu Á vẫn là thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư trong lĩnh vực thức ăn thủy, hải sản. Theo thống kê, sản lượng NTTS của châu Á đang giảm, kéo theo tốc độ tăng trưởng 2,3% giai đoạn 2018 – 2030 so con số 18 năm trước là 5,3%.
Nguyên nhân do nguồn lợi thiên nhiên cạn kiệt cùng các quy định bảo vệ môi trường ngày càng nghiêm ngặt hơn, đặc biệt tại các vùng sản xuất trọng điểm.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ hội gia tăng giá trị cho ngành sản xuất thức ăn thủy sản, nhất là khi nhiều nông dân bắt đầu từ bỏ việc sử dụng cá tạp; cá tạp cũng bị cấm sử dụng theo quy định bảo vệ môi trường và ATTP tại nhiều quốc gia châu Á. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ thức ăn ép đùn đang tăng cao không chỉ bởi sạch mầm bệnh mà còn phù hợp hơn với máy cho ăn tự động – thiết bị đang được nhiều trại nuôi sử dụng.
Thị trường thức ăn chức năng cũng đang phát triển do các sản phẩm này có khả năng chống dịch bệnh và giảm sử dụng kháng sinh. Đây là yếu tố quan trọng bởi lạm dụng kháng sinh luôn là rào cản lớn nhất của các sản phẩm thủy sản châu Á tại thị trường châu Âu và Mỹ. Điều này mang lại cơ hội để công nghệp hóa và hiện đại hóa chuỗi cung ứng, tại đó các hãng sản xuất thức ăn thủy sản đóng một vai trò rất quan trọng.
Nhưng các quốc gia châu Á, với lợi thế chi phí sản xuất thấp dường như sẽ mất “sân chơi” trước các đối thủ tại Trung và Nam Mỹ do nhiều dịch bệnh xuất hiện và chi phí lao động tăng cao. Không còn cách nào khác, châu Á phải nâng cao hiệu quả sản xuất và gia tăng giá trị cho sản phẩm nếu không muốn mất vị thế.
Chất lượng, ATTP và truy xuất nguồn gốc ngày càng được đề cao hơn, thúc đẩy sử dụng thức ăn chức năng và công nghệ số. Dự báo, nhu cầu sử dụng các loại protein thực vật và protein thay thế bột cá trong thức ăn thủy sản sẽ ngày càng tăng cao. Nhu cầu tiêu thụ protein thô từ dự kiến tăng tới 5,6 triệu tấn và chạm mốc 15,8 triệu tấn vào giai đoạn 2018 – 2020. Để đạt sự bền vững hơn mà vẫn đảm bảo hiệu quả chi phí trong nuôi trồng, ngành thức ăn thủy sản cần mạnh tay đầu tư cho các hoạt động R&D về công thức thức ăn, cải thiện gen di truyền và sức khỏe vật nuôi.
Dù nhu cầu tại những thị trường xuất khẩu truyền thống đang chững lại, mậu dịch trong khu vực châu Á vẫn tăng trưởng. Nhờ dân số thuộc tầng lớp trung lưu tăng cao, Trung Quốc tích cực nhập khẩu sản phẩm thủy sản nuôi chất lượng cao, an toàn chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Từ đó, những quốc gia khác trong khu vực như Việt Nam, Indonesia sẽ hưởng lợi trực tiếp. Tiêu thụ thủy, hải sản nội địa cũng đang tăng cao tại Đông Nam Á và được kỳ vọng trở thành động lực thúc đẩy tiêu thụ thức ăn thủy sản, đặc biệt tại Việt Nam, Indonesia và Myanmar. Những hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài và M&A cũng được kỳ vọng tăng cao tại những quốc gia này.
Ngành công nghiệp NTTS châu Á vẫn tiếp tục chuyển động để tiến tới một chuỗi cung ứng được công nghiệp hóa. Các hãng thức ăn thủy sản, đặc biệt là những công ty đầu ngành đang đứng ở vị trí thuận lợi trên một thị trường sôi động. Cân bằng dinh dưỡng, mô hình kinh doanh hiệu quả, hợp tác khu vực và bền vững sẽ là các yếu tố quyết định sự thành công của ngành thức ăn thủy sản châu Á.
Chuyên gia phân tích ngũ cốc và hạt dầu, Rabobank