(TSVN) – Nhu cầu tiêu thụ thủy sản toàn cầu được dự đoán sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025. Tuy nhiên, người ta mới chỉ đề cập đến những tác động môi trường từ nuôi trồng thủy sản (NTTS) và khai thác thủy sản, mà chưa chú ý tới rủi ro tiềm ẩn của sự biến đổi khí hậu lên hai lĩnh vực này.
Theo nghiên cứu năm 2023 của FAO, hơn 90% hoạt động sản xuất thủy sản, đang chịu tổn thương trước sự biến đổi khí hậu. Mặc dù nhiều yếu tố gây căng thẳng bắt nguồn từ con người, song nó cũng dấy lên những nghi ngờ liệu ngành sản xuất thủy sản có thực hiện được sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực, như chúng ta kỳ vọng hay không?
Hiện, các nhà sản xuất thủy sản hàng đầu ở Mỹ và châu Á, đang phải đối mặt những mối đe dọa khí hậu nghiêm trọng nhất, chẳng hạn như ô nhiễm nước do dư thừa chất dinh dưỡng, phân bón; sự nóng lên của toàn cầu, lượng mưa biến đổi và nước biển dâng. Những khu vực khác như Mỹ Latinh cũng bị ảnh hưởng đáng kể và năng lực ứng phó cũng yếu ớt hơn do tiềm lực kinh tế còn mỏng.
Theo nghiên cứu mới đây của các chuyên gia thuộc Đại học Plymouth ở Anh, nước biển ấm làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và lượng khí carbon dioxide trong đại dương. Thích ứng với những thay đổi khí hậu đã được dự báo trong ngắn hạn, đồng thời thực hiện biện pháp giảm thiểu trong dài hạn, đây là cách duy nhất để duy trì sản xuất thủy sản. Việc thích ứng thành công sẽ phụ thuộc vào năng lực của các nhà sản xuất, ở các khu vực khác nhau trên thế giới.
Hầu hết các Chính phủ đang nghiêm túc thực thi chương trình nâng cao nhận thức về sự biến đổi khí hậu cho các nhà sản xuất thủy sản. Ở các nước phát triển, nhà chức trách tăng cường tài trợ nghiên cứu, nhằm tăng hiểu biết về phản ứng của các loài thủy sản nuôi đối với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sản xuất, tái sử dụng nước, hoặc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và đa dạng hóa đối tượng nuôi. Trong khi đó, tại Mỹ, ngư dân vịnh Alaska tận mắt chứng kiến những tác động bởi sự biến đổi khí hậu từ nhiều năm trước, đã gây ra những thay đổi hệ sinh thái, khiến cá hồi, cá tuyết Thái Bình Dương biến mất. Trung tâm Khoa học thủy sản Alaska phải vào cuộc tìm hiểu nghề cá bị ảnh hưởng thế nào, bởi sự biến đổi khí hậu và tìm cách ứng phó.
Cộng đồng ngư dân ven biển ở Alaska đang phải đối mặt với hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như mưa lớn, lở đất và nhiệt độ nước biển tăng. Ngư dân tại khu vực này buộc phải tìm cơ hội tăng khả năng phục hồi nghề cá, trước khi nhà quản lý thực hiện kế hoạch thích ứng khí hậu. Ví dụ, tiếp thị sản phẩm trực tiếp để gia tăng giá trị, trong khi Chính phủ cắt giảm hạn ngạch khai thác và siết chặt quy định về kích cỡ cá được phép khai thác; đồng thời đẩy mạnh du lịch, tập trung sáng kiến NTTS và đa dạng hóa nền kinh tế.
Ngành NTTS có thể thích ứng khí hậu theo cách tương tự, thông qua việc lồng ghép hiệu quả hoạt động NTTS vào nền kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là ngành thức ăn chăn nuôi. Các nghiên cứu về sử dụng bột côn trùng hoặc protein đơn bào, cho thấy tiềm năng thay thế thức ăn truyền thống đồng thời giảm thiểu sự biến đổi khí hậu.
Ngành NTTS đa dạng về hệ thống sản xuất và đối tượng nuôi; do đó, cần thúc đẩy công nghệ tiết kiệm tài nguyên hơn như hệ thống đa dinh dưỡng. Cần nghiên cứu thêm nhiều đối tượng nuôi có tiềm năng hiệu suất cao, bất chấp khí hậu thay đổi, ngoài ra phát triển thêm các loài có khả năng kháng bệnh mới, hoặc khả năng chống chịu tốt, trước những thay đổi điều kiện môi trường.
Marysia Szymkowiak
(Trung tâm khoa học thủy sản Alaska)