Cuộc cách mạng xanh trong NTTS không còn xa lạ vì đã được bắt đầu vào đầu thập niên 2000 nhưng bây giờ mới là “thời điểm chín muồi” để khởi động lại cuộc cách mạng này dù không phải vì ngành NTTS phát triển chưa “đủ mạnh”.
Từ cuối thập niên 90, ngành NTTS đã từng phát triển chóng mặt với tốc độ tăng trưởng 6 – 7%/năm và người ta kỳ vọng ngành này có thể đảm bảo hơn 60% nguồn cung thủy sản cho thị trường toàn cầu tới năm 2030. Nhưng thực trạng hiện nay cho thấy, NTTS trên thế giới đang chững lại với tốc độ tăng trưởng khiêm tốn 1,4% trong vòng 5 năm qua. Trong đó, tăng trưởng ở ngành tôm chỉ 1%. Điều này minh chứng, dường như các định hướng phát triển NTTS theo cuộc cách mạng xanh trước đó đã mang lại kết quả không như kỳ vọng. Một nhân tố quan trọng của sự thất bại đó là, người nuôi thủy sản thiếu năng lực quản lý dịch bệnh đúng cách. Đây là lý do tại sao chúng ta phải đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực tái nghiên cứu, phát triển và tìm kiếm những hệ thống sản xuất mới bền vững và thân thiện môi trường; để kiểm soát tốt hơn vật nuôi và môi trường.
Cải tiến và công nghệ mới đang ngày càng cần thiết trong lĩnh vực NTTS để bắt kịp xu hướng sản xuất của ngành thủy sản toàn cầu. Làn sóng đổi mới và cải tiến lan nhanh trong mọi lĩnh vực thuộc ngành NTTS, trong đó có dinh dưỡng và thức ăn chăn nuôi. Xu hướng chính của các công ty hoạt động trong lĩnh vực này là phải chế tạo ra những nguyên liệu thức ăn bền vững và hiệu quả. Thập kỷ trước, những công ty dinh dưỡng như Nutreco phải sử dụng 60 – 70% bột cá và dầu cá để chế biến thức ăn thủy sản…; nhưng hiện, các công ty này đều phải nỗ lực giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu cá biển, thậm chí giảm 100% bột cá như ngành nuôi cá hồi và tập trung vào những nguồn protein thực vật hoặc các loại nguyên liệu mới bền vững hơn như bột côn trùng, khô và dầu tảo.
Để thực hiện tốt cuộc cách mạng xanh NTTS, các công ty cũng phải tập trung hơn nữa tới các vấn đề liên quan sức khỏe của cá, đặc biệt là khả năng miễn dịch và sức khỏe đường tiêu hóa của vật nuôi. Điều này giúp nhà nông ngăn chặn và kiểm soát sự bùng phát dịch bệnh, từ đó, giảm thiểu nhu cầu sử dụng kháng sinh. Ngành cá hồi Na Uy là một minh chứng. Trước đây, hầu hết các trại cá hồi xây dựng trong vịnh hẹp vì áp lực môi trường và nhận thức của người tiêu dùng. Nhưng nay, các trại cá hồi tại Na Uy đã di chuyển ra ngoài khơi, kéo theo đó là sự ra đời của hàng loạt công nghệ nuôi mới giúp kiểm soát tốt điều kiện môi trường nuôi và giảm sức lao động của con người. Như hệ thống phần mềm AquaCloud có thể đoán được số lượng rận biển và những công cụ cung cấp hình ảnh chính xác để đánh giá hành vi của cá cũng như đo sinh khối.
Máy học và trí tuệ nhân tạo đang len lỏi vào ngành NTTS và trở thành công cụ đắc lực giúp ngành này tái khởi động lại cuộc cách mạng xanh thành công; đồng thời, kiến tạo sự thay đổi bền vững cho toàn ngành thủy sản thế giới.