T2, 10/07/2023 08:32

Tại sao giá thủy sản giảm?

(TSVN) – Áp lực lạm phát vẫn đang đè nặng khiến người tiêu dùng chưa sẵn sàng quay lại thủy, hải sản thoải mái như trước đây.

Trong lĩnh vực thủy, hải sản, người mua nắm quyền lực thị trường và đang buộc giá mặt hàng này giảm trên toàn cầu. Có thể so sánh thị trường thủy sản Mỹ ngay lúc này với những gì đang diễn ra trên thị trường bất động sản văn phòng sau đại dịch. Việc chuyển đổi nhanh chóng sang làm việc từ xa đồng nghĩa nhiều công ty nhận ra không cần thiết phải thuê văn phòng rộng rãi. Kết quả, tỷ lệ văn phòng trống tại nhiều tòa tháp hiện ở Mỹ lên đến 40%. Tương tự, trong ngành thủy sản, các nhà bán lẻ chiếm phần lớn tổng doanh số bán thủy, hải sản. Năm ngoái, họ nhận ra rằng có thể cải thiện tỷ suất lợi nhuận bằng cách kết hợp giá bán cao với giảm lượng cung ứng hàng hóa. Do đó, các hãng bán lẻ điều chỉnh giảm khối lượng hàng hóa kỳ vọng ngay trong bối cảnh người tiêu dùng quay lưng với hải sản do giá cao.

Cũng như giá thuê văn phòng đang điều chỉnh giảm, sự thay đổi này sẽ đẩy giá trị tổng thể của các sản phẩm thủy sản xuống mức thấp hơn cho đến khi các nhà sản xuất điều chỉnh theo mức cầu mới thấp hơn. Khả năng sinh lời sẽ giảm và các công ty bị ảnh hưởng nhiều nhất thông qua đòn bẩy tài chính hoặc tiêu điểm hẹp có thể không trụ được. Ở cấp độ vĩ mô, các nhà sản xuất cá hồi và tôm sẽ tập trung vào lợi nhuận và điều chỉnh sản lượng của họ theo giá mà thị trường sẽ trả.

Nhưng cấu trúc ngành công nghiệp tôm và cá hồi khác nhau. Lực lượng sản xuất trong ngành cá hồi không dàn trải mà tập trung cao độ. Họ có thể điều chỉnh sản lượng và duy trì lợi nhuận. Ngành tôm lại khác bởi các nhà sản xuất phần lớn là trang trại nhỏ lẻ, hoạt động song song các công ty lớn ở Thái Lan, Việt Nam, Ecuador và Ấn Độ. Nông dân nuôi tôm quy mô nhỏ chỉ nhìn vào mức giá cổng trại ở điểm hòa vốn và ngừng sản xuất, từ đó làm gián đoạn tăng trưởng toàn cầu trong ngành tôm. Các công ty khai thác cá tự nhiên cũng cần phải điều chỉnh giảm do những thay đổi về chi phí nguyên liệu thô hoặc giá thu mua tại tàu. Điển hình là các hãng cua tuyết và cá hồi mắt to.

Về cơ bản, thủy sản được tiêu thụ qua hai kênh là bán lẻ và dịch vụ ẩm thực.Trong đó, kênh bán lẻ vượt trội về số lượng và phản ứng nhanh nhất về giá cả. Lĩnh vực bán lẻ có khả năng thay đổi giá khi cần thiết để thúc đẩy doanh số bán hàng hoặc duy trì giá cao để cải thiện lợi nhuận.

Đại dịch COVID-19 là cú hích đối với ngành bán lẻ. Nhưng cuối năm 2021, các hãng bán lẻ đối mặt thách thức hàng tồn kho giá cao và doanh số bán hàng giảm sút. Nhưng thay vì cố gắng tăng khối lượng hàng hóa lưu thông bằng cách giảm giá, lĩnh vực bán lẻ đang duy trì giá cao hơn nhiều so với ba năm trước và chấp nhận giảm lưu lượng.

Áp lực lạm phát vẫn đang đè nặng khiến người tiêu dùng chưa sẵn sàng quay lại thủy, hải sản thoải mái như trước đây. Nhà sản xuất và nông dân, hoặc ngư dân còn tiếp tục đối mặt thách thức lợi nhuận sụt giảm và cạnh tranh tăng cao. Xây dựng lại niềm tin và khôi phục dòng chảy sản phẩm thủy, hải sản ở mức giá mới sẽ mất một thời gian dài và điều đó sẽ chưa xảy ra trong năm nay, thậm chí cả năm sau.

Người sáng lập Seafoodnews

John Sackton

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!