Xu hướng thay thế kháng sinh và sản phẩm tổng hợp bằng các nguyên liệu tự nhiên đang ngày càng gia tăng trong ngành thức ăn chăn nuôi. Sử dụng các hợp chất tự nhiên từ nhiều nguồn nguyên liệu như nấm men, thảo dược, peptide và sản phẩm phụ động vật cần đặt lên hàng đầu trong toàn bộ quá trình nghiên cứu, sản xuất thức ăn cho các đối tượng vật nuôi khác nhau từ gia súc, gia cầm tới thủy sản.
Những nguồn hợp chất tự nhiên này giúp các hãng sản xuất thức ăn tạo ra hàng loạt tác động hữu ích cho vật nuôi như diệt khuẩn, kích thích tiêu hóa, cải thiện hệ miễn dịch, kháng ôxy hóa, chống lại ký sinh trùng…
Các phụ gia thức ăn là sản phẩm “thông minh”. Một sản phẩm phụ gia trước khi ra đời và phát triển trên thị trường phải trải qua nhiều giai đoạn từ nghiên cứu, phòng thí nghiệm tới thử nghiệm thực tế để đảm bảo hiệu quả kinh tế, tiết kiệm chi phí, thời gian cho người sử dụng cuối cùng.
Ngành thủy sản còn non trẻ nhưng đang đối mặt rất nhiều thách thức từ khi phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc suốt 2 thập kỷ qua. Trong khi, sản lượng thức ăn thủy sản toàn cầu nhỏ hơn 25 lần sản lượng thức ăn chăn nuôi nông nghiệp nói chung, nhưng đang duy trì và phải tiếp tục tạo ra số lượng khổng lồ các chủng loại sản phẩm, công thức thức ăn mới có thể bắt kịp nhu cầu của từng đối tượng nuôi, cường độ nuôi, điều kiện khí hậu và điều kiện nuôi khác nhau. Điều này tạo ra sự phân mảnh về mặt địa lý trong lĩnh vực kinh doanh thức ăn thủy sản, từ đó tạo ra nhiều thách thức hơn cho các hãng sản xuất phụ gia trong việc phát triển môi trường kinh doanh toàn cầu. Ngành chăn nuôi gia súc gia cầm thì hoàn toàn ngược lại do tập quán chăn nuôi khá đồng nhất trên toàn thế giới.
Về mặt kỹ thuật, giảm thiểu tác động dịch bệnh giúp sản xuất thuận lợi, hiệu quả hơn chính là thách thức lớn nhất của ngành thủy sản, đặc biệt trong điều kiện lợi nhuận dựa trên chi phí thức ăn thấp và mật độ nuôi cao. Nếu đứng trên góc độ kinh doanh, khó khăn chính của ngành thủy sản là tính quy củ và có tổ chức trong toàn chuỗi sản xuất và kinh doanh. Ngành cá hồi là một ngành công nghiệp thủy sản có tổ chức quy củ nhất thể hiện ở bộ luật quản lý, tổ chức tham gia từ chuỗi chế biến, hoạt động xuất khẩu, tính minh bạch, các chương trình bảo vệ sức khỏe và cải thiện di truyền; trái ngược với ngành tôm ở Thái Lan hay cá tra ở Việt Nam.
Vẫn còn vô số cách để cắt giảm chi phí thức ăn và cải thiện sức khỏe vật nuôi thông qua chế độ dinh dưỡng bổ sung phụ gia. Tuy nhiên, ngành thức ăn thủy sản bị phân mảnh theo nhiều đối tượng nuôi, vùng địa lý khác nhau nên những vướng mắc đến thách thức cũng khác nhau. Bởi vậy, chỉ có những công ty đầu tư mạnh vào cải tiến công nghệ và tập trung hỗ trợ khách hàng mới góp phần đưa ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững và đạt lợi nhuận cao.