T5, 23/07/2020 05:35

Tàu vỏ thép vươn khơi: Ước mơ được hiện thực hóa

TS Nguyễn Quang Vĩnh (ảnh), một chuyên gia nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực tàu thủy trả lời phỏng vấn Thủy sản Việt Nam.

Ông có thể đưa ra một vài nhận định về tính ưu việt của tàu vỏ thép so với tàu vỏ gỗ?

Chúng ta đang có chừng 130 nghìn tàu thuyền. Trong đó có khoảng 28 nghìn tàu được gọi là xa bờ, gần 16 nghìn tàu có công suất trên 250 CV, trong số đó 6.615 tàu có công suất từ 400 CV trở lên. Như thế về số lượng là khá nhưng để khai thác khơi xa thì còn nhiều hạn chế. Việc dùng gỗ để đóng tàu thuyền nói chung không còn thuận khi mà rừng ngày càng hiếm gỗ, trong khi tuổi thọ còn lại của đội tàu gỗ hiện nay cũng chẳng còn bao lâu. Tàu vỏ gỗ như ta đang có không đánh xa được hiệu quả. Khoảng xa bờ vẫn còn để trống mà nguồn lợi ven bờ lại cạn đi. Công nghiệp hóa không thành được, sinh thái biển bị đe dọa. Vì thế, thay thế dần tàu vỏ gỗ bằng tàu vỏ thép và các vật liệu khác là một hướng đi đúng.

Độ bền chắc trong khai thác trên biển, khi kết hợp với mục đích quốc phòng thì tàu thép có tính ưu việt hơn. Công nghệ đóng tàu theo sản xuất công nghiệp (đóng theo số lượng lớn, nên chi phí giảm), vật liệu thì bền vững hơn.

Tuy nhiên, tàu vỏ thép cũng có những nhược điểm, như giá thành cao (nếu đóng nhỏ lẻ), việc bảo dưỡng cũng khắt khe hơn (2 lần/năm), phải có cơ sở đóng và sửa chữa (nhà xưởng, nhân công…).

 

Theo ông, chúng ta nên đóng tàu rồi cho ngư dân thuê lại hay để ngư dân tự đóng cùng với sự hỗ trợ về vốn?

Trên thế giới chưa có mô hình đóng tàu cho ngư dân thuê, vì vậy, tốt nhất là tìm người dân thực sự có nhu cầu, không chạy theo phong trào; cùng đó là những biện pháp hành chính (hạn chế đóng tàu vỏ gỗ), kết hợp tuyên truyền, thực hiện những mô hình thí điểm, khuyến khích ngư dân làm theo. Và quan trọng là để ngư dân vay tiền tự đóng và khai thác theo hình thức tổ đội, chọn ra người có kinh nghiệm biết quản lý khai thác và kinh doanh, điều hành tàu.

 

Vậy, để chính sách đi vào cuộc sống, tạo hiệu quả thiết thực nhất, cần phải làm gì, thưa ông?

Cần tổng kết, đánh giá chương trình đánh cá xa bờ trước đây, tìm những điểm ưu việt, hạn chế để khắc phục và tránh lặp lại những sai sót. Cùng đó, đầu tư thiết kế những mẫu tàu (ưu tiên mẫu tàu thép) phù hợp điều kiện kinh tế của ngư dân (an toàn, tính năng cao, giá phù hợp); cần có những cơ sở đóng sửa tàu, hậu cần nghề cá được đầu tư bài bản, hiện đại, đồng bộ. Có ban quản lý theo dõi mọi hoạt động để có sự điều chỉnh phù hợp. Cần có chủ trương lâu dài để ngư dân dám đầu tư vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ Tổ quốc.

TS Nguyễn Quang Vĩnh

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!