(TSVN) – Người nuôi tôm trên toàn thế giới đang phải đối mặt thách thức trong nửa năm còn lại, do giá nguyên liệu đầu vào không ngừng tăng trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, người tiêu dùng tại một số thị trường trọng điểm của mặt hàng tôm như Mỹ và phương Tây thắt chặt chi tiêu vì lạm phát và thu nhập giảm.
Một loạt biến cố thị trường dồn dập xảy ra cùng lúc sẽ tác động tiêu cực đến lợi nhuận của người nuôi tôm và có nguy cơ đẩy giá bán tôm xuống dưới mức hòa vốn.
Suy thoái kinh tế phủ bóng đen toàn cầu, kéo theo nguy cơ nhu cầu tiêu thụ đối với mặt hàng thủy, hải sản nói chung suy yếu dần trong 6 tháng tới, cùng đó sản lượng tôm vẫn tiếp tục gia tăng tại một số vùng nuôi trên thế giới tạo ra tác động kép khiến giá bán mặt hàng này giảm mạnh. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi không ngừng leo thang, chi phí vận tải và năng lượng cũng không có dấu hiệu chững lại, nhiều nông dân, đặc biệt là người nuôi tôm đang chật vật chống đỡ.
Mỹ và châu Âu từng là những cú hích lớn đối với cầu tiêu thụ tôm vào năm ngoái và nửa đầu năm nay, nhưng kịch bản đó không tiếp diễn trong 6 tháng còn lại của năm 2022. Nhu cầu tiêu thụ tôm đang hạ nhiệt dần, đặc biệt tại các kênh dịch vụ ẩm thực, bởi lạm phát đã khiến cho thu nhập khả dụng của người dân tại các thị trường Mỹ và châu Âu bị cắt giảm đáng kể. Trung Quốc là tia hy vọng duy nhất của thị trường tôm toàn cầu lúc này với nhu cầu nhập khẩu khổng lồ, song sự bất ổn vẫn luôn tiềm ẩn và khó lường như lệnh cấm nhập khẩu, hay các đợt phong tỏa COVID-19 bất chợt.
Cán cân cung cầu đã có sự chênh lệch lớn khi sản lượng tôm của các vùng nuôi quy mô lớn như Việt Nam, Indonesia và đặc biệt là Ecuador vẫn đang tăng mạnh, bất chấp giá tôm trong quý I đã có sự điều chỉnh và chi phí sản xuất tăng. Cuộc chạy đua sản lượng giữa các “cường quốc” tôm nuôi chưa có dấu hiệu dừng lại sẽ khiến người nuôi tôm chìm sâu trong thua lỗ, bởi giá bán tôm có thể sẽ giảm xuống dưới mức hòa vốn nếu như nhu cầu tiêu thụ trên thị trường toàn cầu tiếp tục giảm sâu hơn do suy thoái kinh tế và lạm phát. Thực tế, điều này đã và đang diễn ra tại một số vùng nuôi ở châu Á.
Châu Á và Ecuador dường như đang ở trong một cuộc chiến không cân sức. Mặc dù giá tôm toàn cầu giảm và chi phí thức ăn tăng 15%, nhưng quốc gia Nam Mỹ này vẫn phá kỷ lục sản lượng tôm trong năm nay với 1,3 triệu tấn, tăng 35% so năm ngoái. Con số dôi dư 35% đó của Ecuador tương đương sản lượng tôm cả năm của Thái Lan và đủ đáp ứng mức tiêu thụ tôm cho toàn thị trường Nhật Bản. Đến nay, tôm Ecuador vẫn “vô địch” về giá bán. Trong khi đó, các trang trại nuôi tôm tại Đông Nam Á lại rơi vào thế khó hơn và cũng dễ bị tổn thương hơn đối thủ Nam Mỹ khi cùng lúc đối mặt thách thức giá thức ăn tăng cao và tiêu thụ tôm đi xuống cùng nhiều bất lợi khác.
Năm 2021, nguồn cung tôm tăng tới 17,6% và đà tăng trưởng này tiếp tục kéo dài trong năm 2022, kéo theo sản lượng vượt 5 triệu tấn trong năm 2022, cao hơn 1 triệu tấn so với 2 năm trước. Triển vọng dài hạn của ngành tôm vẫn lạc quan nhưng ngắn hạn sẽ là một giai đoạn đầy thách thức.
Chuyên gia phân tích thị trường thủy sản Rabobank