(TSVN) – Thực phẩm xanh (Blue food) được định nghĩa là tất cả các sinh vật dưới nước như cá, nhuyễn thể, tảo từ đại dương và nước ngọt gồm cả những loài nuôi và khai thác.
Các chuyên gia trong ngành đều đồng ý rằng, protein thủy sản hay thực phẩm xanh xứng đáng một vị trí quan trọng hơn, thậm chí gần như thống lĩnh bàn ăn nhờ sự đóng góp của nó vào ATTP, dinh dưỡng tối ưu và sinh kế.
Nên coi việc chuyển đổi từ sản xuất protein trên cạn sang sản xuất protein dưới nước là một phần của giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu. Dĩ nhiên, mọi hoạt động phải nằm trong ranh giới bảo vệ “sức khỏe” đại dương và hệ thống nước ngọt như sông ngòi, ao hồ. Chuyển đổi hệ thống thực phẩm toàn cầu cũng chính là chìa khóa giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc về vai trò của thực phẩm xanh trong công cuộc chuyển đổi hệ thống thực phẩm toàn cầu cùng những mục tiêu cụ thể.
Tại sự kiện hội thảo trực tuyến bàn về vấn đề đại dương (Virtual Ocean Dialogues) do Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức mới đây, các chuyên gia đều khẳng định thực phẩm xanh đang phát triển mạnh mẽ ngay trong quá trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm toàn cầu. Trong khi đó, chuyển đổi hệ thống thực phẩm là điều thiết yếu và cấp bách để đảm bảo nguồn dinh dưỡng bền vững cho gần 10 tỷ người vào năm 2050. Tuy nhiên, thực phẩm xanh vẫn chưa được coi là mắt xích quan trọng nhất trong đảm bảo nguồn thực phẩm tương lai. Có thể vai trò của nó vẫn chưa được nhìn nhận một cách toàn diện trong công cuộc ứng phó hàng loạt thách thức phía trước, điển hình là biến đổi khí hậu. Ngoài ra, sử dụng nguồn lợi thực phẩm xanh hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào sự đa dạng đối tượng nuôi, khai thác; cơ sở hạ tầng; quy mô sản xuất.
Nhiều quốc gia đã đặt mục tiêu đưa các loại thực phẩm thủy, hải sản chiếm lĩnh vị trí trung tâm trong hệ thống thực phẩm tương lai và các chương trình nghiên cứu nông nghiệp toàn cầu. Để làm được điều đó, cần phải phân bổ các hoạt động trên mọi lĩnh vực gồm nghiên cứu, hoạch định chính sách, tài trợ, đầu tư, kinh doanh, sản xuất, chế biến tại địa phương và tiêu dùng. Sự kết hợp toàn diện này mới có thể giúp các sản phẩm thủy, hải sản hay thực phẩm xanh trở thành một phần không thể tách rời của chương trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm toàn cầu.
Chuyển đổi hệ thống thực phẩm nhằm giảm thiểu tác động của thay đổi thời tiết. Đây là yếu tố quan trọng để hút một lượng dân số nhất định trên toàn cầu chuyển sang sử dụng các loại protein dưới nước. Ví dụ tại Anh, nhiều cư dân thuộc tầng lớp thế hệ trẻ (thế hệ Y) đã từ bỏ các loại thức ăn truyền thống. Đây chính là cơ hội lớn đối với các loại thực phẩm xanh. Không thể phủ nhận tiềm năng to lớn của thị trường thực phẩm xanh, nhưng sản xuất bền vững và trách nhiệm luôn là chìa khóa để các mặt hàng này chinh phục tầng lớp khách hàng thuộc thế hệ Y.
Trong cuộc khảo sát 2020 YouGov tại Mỹ, cứ 5 người thế hệ Y có 1 người đã thay đổi thực phẩm để giảm tác động biến đổi khí hậu. 51% người dân Mỹ sẵn sàng thay đổi thực phẩm hàng ngày nếu họ hiểu biết nhiều hơn về tác động tiêu cực của loại thực phẩm đó đối với môi trường. Đó cũng là một tín hiệu tốt bởi thực phẩm xanh có lợi thế trong việc giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu.
Hiện, nỗ lực kết nối cộng đồng sản xuất, tiêu dùng sản phẩm từ tự nhiên đến nuôi, xây dựng một mạng lưới toàn diện, nâng cao hợp tác, tăng sức cạnh tranh để cải thiện hiệu suất của tất cả các ngành sẽ là mục tiêu mà chúng ta cần hướng tới. Thông điệp ẩn chứa phía sau ngành công nghiệp thực phẩm xanh là bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu. Cùng đó là những lợi ích tối ưu về dinh dưỡng so các loại protein gốc thực vật, chắc chắn thực phẩm xanh sẽ ngày càng tiến xa hơn.
Tổng Giám đốc Tổ chức WorldFish