Lĩnh vực thức ăn thủy sản được liên kết phức tạp và lệ thuộc vào hoạt động chăn nuôi. Suốt 18 tháng qua, chúng ta đã chứng kiến giá thủy sản tại cổng trại lao dốc tạo áp lực lớn tới nông dân…
Đi đôi với tỷ lệ sống thấp do dịch bệnh, thì chi phí sản xuất đang gia tăng chóng mặt càng khiến nông dân thêm chán nản và không thiết tha đầu tư mua sắm các sản phẩm cải thiện chất lượng hoặc thức ăn chức năng. Thức ăn chức năng không thần thánh đến mức có thể giảm thiểu được dịch bệnh bùng phát trong ngành thủy sản như nhiều người đã kỳ vọng. Nhưng trước khi đổ lỗi cho ngành thức ăn, chúng ta cần khách quan nhìn nhận lại những điểm yếu và cả thách thức của ngành này. Đã đến lúc phân tích năng lực hiện tại của ngành thức ăn trong lĩnh vực NTTS nói riêng. Thách thức đặt ra là gì và liệu ngành này có đủ sức đáp ứng nhu cầu của ngành NTTS trong tương lai?
Các tính trạng di truyền trên tôm đã được cải thiện đáng kể từ nhiều thập kỷ qua. Nhưng công thức thức ăn chỉ dựa vào các nhu cầu dinh dưỡng từ nhiều nghiên cứu cũ được thực hiện vào các thập niên 80 và 90. Chúng ta đều biết rằng, các tính trạng di truyền mới giúp tôm tăng trưởng hơn 0,3 g/ngày, nhưng để đạt được mức này trong điều kiện ao nuôi thương phẩm, đòi hỏi phải áp dụng một công thức thức ăn đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cao hơn. Mặc dù, TTCT và tôm sú đều chịu được các độ mặn khác nhau, nhưng điều kiện nuôi gần 0 ppt và 32 ppt đòi hỏi một loại thức ăn đặc biệt mà hiện nay trên thị trường không sẵn có. Hệ thống RAS ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong ương con giống, nhưng vẫn chưa có một loại thức ăn đặc biệt nào dành riêng cho vật nuôi trong giai đoạn và hệ thống nuôi này.
Lĩnh vực tiêu thụ thức ăn thủy sản thấp nhất là ngành cá nước ngọt. Cá rô phi ế ẩm, rớt giá suốt 3 năm qua, còn nguồn cung cá tra, basa bị hạn chế để giữ giá. Phần lớn cá rô phi hay cá tra, basa được tiêu thụ dưới dạng fillet. Nâng cao năng suất fillet lại phụ thuộc vào 2 yếu tố thức ăn và di truyền. Chưa kể, ngành NTTS đang dần bị hạn chế để bảo vệ môi trường phục vụ du lịch. Ví dụ, tại Indonesia, Chính phủ đang cân nhắc lệnh cấm nuôi cá lồng trên hồ để giữ gìn vẻ đẹp nguyên sơ của cảnh quan.
Tăng trưởng của lĩnh vực thức ăn cá biển bị hạn chế bởi nông dân châu Á tập trung vào cá nước ngọt nhiều hơn. Tuy nhiên, thức ăn cá biển cũng buộc phải cải tiến từ chiến lược thiếu linh hoạt “một sản phẩm dùng cho tất cả”. Cần phải nhớ rằng, nhu cầu dinh dưỡng của cá mú, cá giò và cá hồng khác nhau nên cần có các công thức thức ăn khác nhau tùy theo từng đối tượng nuôi.
Cuối cùng, đó là thức ăn bền vững. Vấn đề gây chú ý nhiều nhất là thay thế bột cá – nguồn thức ăn mà ngành tôm và cá nuôi đang phải lệ thuộc. Làn sóng protein thay thế bột cá đầu tiên xuất phát từ đạm thực vật, sau đó nâng cấp lên các sản phẩm tinh chất và lên men. Một làn sóng mới phải kể đến là bột côn trùng và protein đơn bào. Câu hỏi đặt ra là liệu ngành thức ăn có thể tìm ra chất thay thế bột cá nhưng công dụng và chi phí tương đương hay không? Câu trả lời chính là một số loại phụ gia thức ăn có công dụng vượt trội nhưng chi phí lại đắt đỏ. Tuy nhiên, nông dân đến các công ty thức ăn cũng chưa dám chắc sẽ chấp nhận tăng chi phí để đổi lại giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất khi ngành thức ăn hiện nay vẫn chưa chú trọng vào khoa học kỹ thuật, hoặc R&D.