T5, 23/07/2020 05:35

Thuế chống bán phá giá: Vô vọng với nền kinh tế phi thị trường?

Tại sao cá tra, basa của Việt Nam cứ mãi bị áp thuế chống bán phá giá? Vì Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, hay đây là số phận của những nước đang phát triển khi chấp nhận tham gia “sân chơi” thương mại tự do với Mỹ sẽ lép vế hơn?

Nhìn lại chặng đường cá da trơn của Việt Nam hơn một thập kỷ qua mới thấy hết những thăng trầm và gian khó. Việt Nam bắt đầu xuất khẩu cá da trơn từ trước năm 1995. Sản lượng xuất khẩu cá da trơn tăng lên đáng kinh ngạc từ giữa năm 1999, nhờ cá tra Việt Nam ngon, giá rẻ và thuế nhập khẩu thủy sản tươi sống giảm còn 0%. Giá cá Việt Nam rẻ vì chi phí nhân công và nhiều chi phí đầu vào khác đều thấp. Cá được nuôi ở dòng nước chảy tự nhiên còn tận dụng được lợi thế kép, đó là vị thơm ngon và chi phí sản xuất thấp hơn so với nuôi bằng nguồn nước ngầm đắt đỏ tại Mỹ. Hiệp hội những người nuôi cá da trơn Mỹ (CFA) đã cùng nhau hợp sức lại để “lật đổ” cá da trơn Việt Nam. Nực cười khi Quốc hội Mỹ luôn tin rằng quyền của nông dân Mỹ luôn ở thế cao hơn nông dân Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội “cá lớn nuốt cá bé” thì người nuôi cá da trơn Việt Nam buộc phải “ngậm đắng nuốt cay”.

Thuế chống bán phá giá là chiêu bài cuối cùng và khó đỡ nhất. Nếu nhìn trên phương diện lịch sử, Việt Nam sẽ yếu thế và khó chứng minh được đã chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Kẽ hở này tạo đà cho CFA tiến tới, quyết đưa ra lý lẽ chứng minh Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường.

Sau khi CFA và nhiều hộ nuôi cá da trơn tại Mỹ gửi đơn kiện, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã quyết định sẽ đối xử với Việt Nam như một nền kinh tế phi thị trường từ ngày 7/1/2001. DOC đã chọn Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia để tính biên độ bán phá giá cá tra Việt Nam. DOC phát hiện, mức giá ở những quốc gia này cao hơn Việt Nam. Các cơ quan quản lý ngành thủy sản Việt Nam đã quyết liệt phản đối phán quyết vô lý của DOC; nhưng nút thắt chính là “chứng minh được nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường” thì chưa đơn vị nào làm được. Do đó, cá da trơn Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi án bị áp thuế chống bán phá giá.

Cá tra, basa Việt Nam chưa thoát khỏi án bị áp thuế chống bán phá giá – Ảnh: Trần Huy

Đòn đáp trả bằng thuế chống bán phá giá ảnh hưởng đến cuộc sống của những nông dân nuôi cá ở Việt Nam và tương lai của toàn bộ ngành công nghiệp. Hầu hết nông dân Việt Nam đều nghèo, nuôi cá quy mô nhỏ, đối lập với nông dân nuôi cá miền Nam nước Mỹ, vốn là những ông chủ đồn điền rộng lớn và giàu có. Để sở hữu những bè cá, nhiều nông dân Việt Nam phải cầm cố tài sản. Nhìn lại những nông dân “nhà giàu” của một nước mạnh, đang cố ra sức bảo hộ ngành công nghiệp cạnh tranh yếu hơn thì thấy những gì mà Chính phủ Mỹ đang nỗ lực thực hiện nhằm mở cửa, tự do hóa thương mại, hội nhập toàn cầu chỉ là trò hề? Trò hề ấy đang cướp đi cơ hội làm ăn, miếng cơm manh áo của người nông dân Việt Nam. Chủ nghĩa bảo hộ vẫn tồn tại ở Mỹ, quốc gia đang dốc sức phát triển nền kinh tế mở cửa hướng đến tự do thương mại. Dường như thứ mà Chính phủ Mỹ gọi là “tự do thương mại” chính là sự tự do sử dụng mọi thủ đoạn cửa sau để đảm bảo miếng bánh thị trường được bảo vệ tuyệt đối.

Nghiên cứu viên cao cấp – Third World Network

Ranja Sengupta

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!