T4, 12/10/2022 10:25

Thương hiệu thủy sản Việt Nam

(TSVN) – Ngày 19/9/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định 1090/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 – 2025, định hướng 2030”.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 cắt giảm 10% hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi so với năm 2020, tất cả tàu cá hoạt động vùng khơi phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Giám sát 100% sản lượng hải sản khai thác; 100% tàu cá được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định.

Chương trình nói trên đề ra nhiệm vụ chống khai thác IUU; phát triển hợp tác, liên kết để nâng cao giá trị sản phẩm hải sản trên thị trường. Việc này góp phần xây dựng thương hiệu “Thủy sản Việt Nam” đã đề ra từ lâu mà chưa làm được.

Phó Tổng Thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam cho hay, khoảng 15 năm qua có nhiều dự án xây dựng thương hiệu “Thủy sản Việt Nam” được đề xuất nhưng chưa thực hiện. Cho nên, thủy sản nước ta xuất khẩu tới hơn 160 thị trường, đứng hàng thứ 3 thế giới mà chưa có thương hiệu. Thủy sản Việt Nam ra nước ngoài, chủ yếu được phân phối dưới thương hiệu của nhà nhập khẩu hay nhà bán lẻ.

Điển hình với mặt hàng cá tra, sản lượng hàng năm khoảng 1,5 triệu tấn, chiếm trên 95% sản lượng xuất khẩu của thế giới. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn thông tin: Cá tra Việt Nam ra nước ngoài, khi tiêu thụ trong các nhà hàng, thường được chủ nhà hàng đặt tên theo ý muốn của họ. Do chưa có thương hiệu, cá tra Việt Nam bị hạn chế về nhận diện với người tiêu dùng. Đã vậy, sản phẩm này lại còn hay bị nghi ngờ về chất lượng ở nhiều thị trường. Cá tra Việt Nam đang bị mặc định là cá rẻ tiền, chất lượng thấp. Đây là nỗi buồn rất lớn, khó nói nên lời với người Việt Nam…

Vì sao chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu “Thủy sản Việt Nam”? Lý do chủ yếu là việc đăng ký nuôi thương phẩm và việc đảm bảo ATTP chưa đáp ứng các yêu cầu mà thị trường quốc tế đòi hỏi. Số liệu của Tổng cục Thủy sản, đến ngày 30/7/2022, số giấy xác nhận mã số ao nuôi cá tra còn hiệu lực với diện tích 4.767,8 ha, nhưng giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP còn hiệu lực chỉ có với diện tích 2.388,94 ha (50,1%). Về sản xuất giống, mới 39,8% cơ sở sản xuất giống và 4% cơ sở ương dưỡng giống cá tra của chúng ta được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất.

Tôm Việt đã, đang có nhiều ưu thế ở các thị trường, cũng đang đối diện nhiều thách thức, do sản xuất của ta hiện nay vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, rất khó để chúng ta xây dựng được thương hiệu.

“Thách thức lớn nhất là vệ sinh ATTP và truy xuất nguồn gốc”, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta Hồ Quốc Lực cho biết. Người tiêu dùng đòi hỏi sự minh bạch, không chỉ truy xuất ao nuôi mà cả chuỗi cung ứng (từ con giống, thức ăn, chế biến, đến vận chuyển), trong khi việc đánh mã số cơ sở nuôi tôm của nước ta vẫn trì trệ. Tôm Việt chỉ có thương hiệu khi đạt các tiêu chuẩn quốc tế, góp phần vào phát triển xanh, có tính bền vững.

 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phân tích, thương hiệu gồm nhãn hiệu và niềm tin của người tiêu dùng. Có thương hiệu của doanh nghiệp, của HTX, của người nông dân, để tất cả cùng xây dựng thương hiệu chung cho mặt hàng. Muốn phát triển thị trường, thủy sản phải có thương hiệu. Khi đó, thương hiệu sẽ giúp thay đổi hình ảnh thủy sản Việt Nam trong mắt người tiêu dùng. Xây dựng được thương hiệu có uy tín lớn, góp phần quan trọng vào sự nhận diện trên thị trường trong và ngoài nước, giúp nâng cao giá trị hàng hóa Việt Nam. Qua đó, đồng thời hỗ trợ phát triển thương hiệu, hình ảnh, uy tín của các doanh nghiệp.

Nhà báo Sáu Nghệ

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!