T4, 31/01/2024 10:09

Thủy sản: Chìa khóa đảm bảo an ninh lương thực

(TSVN) – Tất cả chúng ta đều biết rằng nông nghiệp trên cạn, bao gồm cả hoạt động chăn nuôi gia súc, đặc biệt là sản xuất thịt bò, đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng do tác động từ nguồn phát thải carbon. Cùng ý thức được những tác hại khôn lường của biến đối khí hậu, chúng ta, những thế hệ người tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi trên toàn cầu, buộc phải cắt giảm lượng thịt tiêu thụ hàng ngày. Thay vào đó, cần lựa chọn những thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hiệu quả hơn và thân thiện môi trường hơn.

Tôi tin rằng các thế hệ tương lai sẽ cắt giảm tiêu thụ thịt, nhất là thịt đỏ, ít hơn mức chúng ta đang tiêu thụ hiện nay. Lý do đơn giản, loại protein này không bền vững. Tổng sản lượng thịt đỏ hiện nay, và cả trong tương lai đều không có khả năng đảm bảo an ninh lương thực cho toàn cầu với dân số có thể lên đến 10 tỷ người. Đến lúc đó, thế hệ tương lai sẽ có những sự lựa chọn protein thay thế tốt và bền vững hơn, mà phần lớn protein trong số đó sẽ đến từ biển. Đây là cơ sở để chúng ta tin rằng, nuôi trồng thủy sản (NTTS) sẽ là nhân tố dẫn đầu trong công cuộc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, và chúng ta cần phải phát triển bền vững ngành này. 

Mỗi năm, có tới 180 tỷ con cá được nuôi trên toàn cầu, khiến ngành NTTS trở thành lĩnh vực sản xuất thực phẩm có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Do đó, kỳ vọng tăng trưởng của ngành NTTS rất cao do nhu cầu tiêu thụ thủy sản liên tục tăng trong khi sản lượng khai thác cá tự nhiên giảm dần hàng năm. 

Châu Á tiêu thụ phần lớn lượng thủy sản trên thế giới. Đây cũng là lý do châu lục này dẫn đầu về sản xuất các loại thủy sản, chiếm 88% tổng sản lượng toàn cầu. Châu Á cũng là trung tâm NTTS của toàn cầu, với 92% tổng số trang trại (trong đó Trung Quốc chiếm 57,8%). Mặc dù châu Á thống trị bảng xếp hạng NTTS thế giới, nhưng một số quốc gia khác ở Nam Mỹ, Bắc Mỹ, và châu Âu như Chile, Canada và Na Uy cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực. 

Những năm gần đây, NTTS đã đáp ứng nhu cầu protein cho con người, và trở thành giải pháp đảm bảo an ninh lương thực trong tương lai, giảm sự phụ thuộc vào nguồn thực phẩm khai thác tự nhiên từ sông ngòi, đại dương và các loại thịt khác. 

Tuy nhiên, NTTS bền vững không đơn giản, và đến nay vẫn luôn là một thách thức lớn. Khi nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng, ngành NTTS sẽ phải đối mặt áp lực mở rộng diện tích, tăng sản lượng và cắt giảm chi phí. Do đó, các công ty NTTS hàng đầu có thể tạo tiền lệ tốt cho phần còn lại của thế giới. 

Nhu cầu tiêu thụ thủy sản nuôi tăng lên sẽ kéo theo nhu cầu đối với nguyên liệu thức ăn bền vững với giá cả phải chăng. Việc lựa chọn nguyên liệu thức ăn cũng tác động trực tiếp đến tính bền vững môi trường của hoạt động NTTS. Thành phần thức ăn phù hợp mang lại hiệu quả cho thức ăn đó, đặc biệt là hiệu quả về tăng trưởng và tỷ lệ sống. 

Cũng giống như con người, tôm, cá cần một chế độ ăn cân bằng để cung cấp dưỡng chất cần thiết cho sinh trưởng và phát triển trong điều kiện môi trường đôi khi căng thẳng. Vật nuôi thủy sản có thể tồn tại, thậm chí phát triển tốt trong điều kiện cho ăn giảm thiểu, hoặc loại bỏ bột cá – nguồn protein chính trong chế độ ăn. Khi bột cá không còn giữ vị trí “độc tôn”, các nguyên liệu thay thế mới thực sự thu hút sự chú ý. Tính bền vững của các thành phần thay thế này là chìa khóa, đặc biệt khi ngành NTTS toàn cầu đang hướng đến nguồn thức ăn hoàn toàn bền vững.

>> Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), tiêu thụ thủy sản toàn cầu dự kiến tăng 30 triệu tấn vào năm 2030. Con người cần nguồn protein bền vững trong chế độ ăn hàng ngày và thực phẩm từ biển có thể đáp ứng nhu cầu đó, miễn là được sản xuất theo phương pháp giảm thiểu tác động đến môi trường. 

MATTS JOHANSEN
CEO, Aker BioMarine, Na Uy

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!