(TSVN) – Năm 2022, dù rất nhiều khó khăn như dịch bệnh, đứt gãy cung – cầu, chi phí logistics, chi phí đầu vào của ngành nông nghiệp tăng cao… nhưng chúng ta vẫn đạt kết quả ấn tượng. Tuy chưa thực sự như kỳ vọng của ngành nông nghiệp, của doanh nghiệp, của người nông dân, nhưng cũng là một thành quả đáng tự hào.
Tự hào đó không phải của ngành này, ngành kia, con số đó là thể hiện ra cái mà chúng ta nhìn thấy được, nhưng cũng có những tự hào mà chúng ta không nhận được. Đó là sự đánh giá rất cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của xã hội về vai trò, vị thế của ngành nông nghiệp trong bối cảnh biến động phức tạp như thế này, nói cách khác làm sâu sắc hơn với vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp. Thành tựu của ngành nông nghiệp không chỉ đóng góp cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế mà nó tạo ra, điều đó không thể hiện ở những con số, mà ngành hàng này đã đảm bảo an ninh lương thực, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng an ninh lương thực của rất nhiều quốc gia, khủng hoảng về sản xuất nông nghiệp, thậm chí có những chuỗi ngành hàng của nhiều quốc gia bị đứt gãy.
Thứ hai là tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu bén rễ vào nhận thức xã hội cho người nông dân và doanh nghiệp, nhiều diễn đàn đã tổ chức đi theo xu hướng đó. Đó nghĩa là chúng ta biết rằng không thể quay lại con đường sản xuất nông nghiệp lấy tiêu chí sản lượng làm mục tiêu phấn đấu nữa mà bắt đầu đã có rất nhiều nghiên cứu của các chuyên gia, của các nhà khoa học nhiều hành động của các hiệp hội ngành hàng nông nghiệp, rất nhiều các tổ chức nông dân bắt đầu tư duy làm sao tạo giá trị gia tăng, định vị được thị trường cho sản xuất đầu ra. Bởi vì nếu chúng ta sản xuất không theo thị trường thì chúng ta sẽ bị tắc nghẽn. Trước đó, từ Nghị quyết 19 về nông nghiệp – nông dân – nông thôn hay chiến lược phát triển nông nghiệp – nông thôn đã bắt đầu lan tỏa ra xã hội, nhận thức của xã hội về vai trò của nông nghiệp hay chuyển từ duy phát triển nông nghiệp sang tư duy mới, mô hình mới, trên tăng trưởng dựa trên giá trị, tăng trưởng dựa vào tích hợp giá trị. Những mô hình nông nghiệp mới như lúa – tôm, lúa – rươi, lúa – cáy, mô hình du lịch nông nghiệp, mô hình tạo ra những sản phẩm OCOP…
Theo nhiều chuyên gia quốc tế, năm 2023 có thể sẽ còn có thể khó hơn nữa, lạm phát toàn cầu bắt đầu thẩm thấu, sức ép lạm phát lãi suất ngân hàng… Khi thị trường thay đổi, chúng phải có kế hoạch và chủ động, khi mà khó khăn quy chuẩn thị trường ngày càng khắt khe hơn. Chính chúng ta thấy rằng, người tiêu dùng hải sản không phải chỉ là con tôm, con cá ngon, mà là con tôm, con mực, con cá ngừ đó được đánh bắt như thế nào, có vi phạm những vấn đề luật pháp quốc tế đối với môi trường hay không? Những sản phẩm nông nghiệp khác có được trồng bằng những quy trình mà có tác động tới thiên nhiên hay không hoặc là những khu rừng bị tàn phá hay không?
Tôi muốn nói rằng, đó là sức ép thay đổi, nhưng đứng trước sức ép đó thì phải chủ động thay đổi sẽ đỡ rủi ro hơn, mà biết đâu đây lại là cơ hội để định vị hình ảnh của một nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững; những thay đổi đó như Thủ tướng Chính phủ nói rằng không phải bắt mình thay đổi cho người ta mà thay đổi đó cho chính mình. Thí dụ như IUU, Thủ tướng mới có kết luận đó là chúng ta làm cho chúng ta trước. Bởi vì cuối cùng là chúng ta đảm bảo được nguồn lợi thủy sản đại dương chúng ta giữ cho thế hệ mai sau. Mỗi giữ gìn, mỗi cái khung của IUU hướng tới để làm sao giữ được tài nguyên đại dương tốt hơn. Mọi thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi càng khó khăn hơn nữa, mà biết đâu trong thay đổi chúng ta mới tạo ra một hình ảnh mới, một giá trị mới, tạo ra một thương hiệu mới và tạo ra nhiều việc làm mới.
Chúng ta tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chúng ta tham gia vào hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu, những thông điệp đó phải được chuyển hóa bằng những hành động cụ thể. Mọi quyết tâm phải được kiểm nghiệm bằng thực tiễn của người sản xuất, của nông dân, của doanh nghiệp, của ngư dân. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng chúng ta có thể giúp ngành nông nghiệp chuyển đổi tốt hơn.