Những thập kỷ gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự suy giảm nhiều loại động thực vật biển vốn từng được coi là nguồn tài nguyên bất tận. Nhiều chuyên gia khẳng định một nửa trữ lượng hải sản thiên nhiên đã bị khai thác cạn kiệt; trên 30% bị khai thác quá mức dẫn tới đe dọa tuyệt chủng.
Một giải pháp trong bối cảnh khủng hoảng lương thực đang dần hình thành chỉ có thể là đẩy mạnh hoạt động NTTS. Không phủ nhận nghề nuôi cá nước ngọt hay nước mặn đều là giải pháp hữu hiệu giải quyết vấn nạn cạn kiệt nguồn lợi tự nhiên, nhưng để hiệu quả, chúng ta cần một hệ thống nuôi hoàn hảo và không tách rời ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Tuy nhiên, nhiều phương thức NTTS hiện nay ẩn chứa rủi ro liên quan tới môi trường. Điển hình nhất là mô hình nuôi khép kín trên biển, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do dịch bệnh dễ lây lan, nhiều loài ngoại lai có thể xâm lấn đại dương và mang theo dịch bệnh hay tính trạng xấu, đe dọa các loài cá bản địa. Ngoài ra, thức ăn chăn nuôi cũng là vấn đề đáng lo ngại. Nhiều loại cá mà con người dùng làm thực phẩm đều là những loài ăn thịt. Thức ăn của chúng là những loại cá nhỏ ngoài khơi, được chế biến dưới dạng bột cá và dầu cá. Do đó, các loài cá nhỏ cũng bị đẩy vào nguy cơ lạm thác. Ngành NTTS sẽ còn phải đối mặt nhiều thách thức tới khi chúng ta tìm ra nguồn thức ăn thực sự bền vững.
Nhằm giảm bớt những tác động của NTTS lên môi trường, một vài chuyên gia đã chuyển hướng sang mô hình nuôi khép kín, hoặc hệ thống nuôi bằng khối vật chất cứng và kiên cố xây nổi trên mặt nước hay hệ thống bể nuôi trên cạn. Những hệ thống này đều có thể khắc phục được rủi ro cá thất thoát ra ngoài tự nhiên, đồng thời hạn chế lây lan dịch bệnh, giảm thức ăn và chất thải nhưng chi phí năng lượng lại khá cao.
Thật đáng mừng ngày nay khoa học kỹ thuật đã cho phép chúng ta duy trì hệ thống nuôi khép kín trên cạn không cần trao đổi nước. Đó là giải pháp nuôi ít tác động môi trường, tái sử dụng 99% nguồn nước. Hệ thống này cung cấp nguồn cá sạch, giảm dịch bệnh, vi khuẩn và chất thải ô nhiễm ra môi trường. Trong hệ thống đó, cá sinh trưởng tốt, không tốn nhiều chi phí năng lượng.
Tuy nhiên, giống nhiều ngành công nghiệp đang phát triển khác, ngành NTTS vẫn phải đối mặt nhiều thách thức và đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ của các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước và các nhà làm chính sách. Trong đó, sự nỗ lực của các nhà khoa học kỹ thuật là yếu tố quan trọng quyết định ngành thủy sản có thể tiến xa và bền vững hơn hay không. Từ năm 1973, tôi từng nói, dân số tăng nhanh, chúng ta phải tiến ra ngoài khơi cùng trí tuệ, sự hiểu biết và công nghệ mới chứ không phải đổ xô khai thác và đánh bắt. Chúng ta phải nuôi trên biển như cách thức mà ta nuôi trên đất liền.
Chủ tịch Hiệp hội Ocean Futures Society