2019 là một năm có nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen nhưng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp và bà con nông dân trên cả nước; sự đồng hành của các cơ quan truyền thông đã tạo sự đồng thuận của cả xã hội, thống nhất cao trong toàn ngành, nỗ lực bám sát thực tiễn, vượt qua khó khăn, thách thức, ghi nhận nhiều thành quả.
Trong các kết quả đạt được, có thể thấy thành tựu về công tác phát triển thị trường nông sản thực sự là một điểm sáng. Thị trường tiêu thụ tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, chú trọng thị trường trong nước; tháo gỡ nhiều rào cản thương mại, xuất khẩu nông sản đạt kỷ lục mới. Với tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD (kịch bản sau điều chỉnh 41 tỷ USD), tăng 3,2% so năm 2018, thặng dư thương mại đạt mức cao 10 tỷ USD.
Năm 2020 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 – 2020. Mặc dù tình hình quốc tế và khu vực sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường với những cơ hội và thách thức đan xen, nhưng toàn ngành nông nghiệp đặt mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP ngành trên 2,8%, giá trị sản xuất đạt trên 3% và kim ngạch xuất khẩu trên 42 tỷ USD, trong đó thủy sản trên 10 tỷ USD. Để có thể đạt được mục tiêu đề ra, bên cạnh các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng hàng nông sản; tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh ATTP; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; hoàn thiện thể chế chính sách thì công tác phát triển thị trường cũng cần được chú trọng.
Theo đó, sẽ tập trung vào các giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu. Với thị trường xuất khẩu, tập trung duy trì và phát triển các thị trường lớn, các thị trường ưu tiên duy trì phát triển (Trung Quốc, Mỹ, EU); khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản – Hàn Quốc, ASEAN, Australia – New Zealand, Trung Đông). Tăng cường đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch đối với các sản phẩm nông sản chủ lực, tập trung các thị trường, với thủy sản là Hàn Quốc (tôm), Australia (tôm tươi); Tổ chức thúc đẩy thương mại, xúc tiến quảng bá đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường như: Trung Quốc (thủy sản chất lượng cao), EU, Thái Lan, Malaysia (cá tra, thủy sản khác); Indonesia (thủy sản chế biến), Myanmar (thủy sản nước ngọt)…
Bên cạnh đó, tăng cường theo dõi sát sao diễn biến giá cả, cung cầu thị trường hàng hóa các mặt hàng thiết yếu trong nước, kịp thời báo cáo, tham mưu Chính phủ; tổ chức khảo sát, đánh giá dự báo sản lượng thu hoạch nông sản chính vụ nhằm cân đối cung cầu, đề xuất các giải pháp thị trường. Ngoài ra, chú trọng công tác dự báo, phân tích thị trường, trong đó tiếp tục duy trì, nâng cấp trang thông tin sản phẩm chủ lực; xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu thông tin thị trường nông sản của Bộ NN&PTNT, cung cấp định kỳ cho các cơ quan hữu quan, địa phương, hiệp hội ngành hàng và bà con nông dân.
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT)