(TSVN) – Dù muốn hay không, chúng ta buộc phải nhìn nhận thực tế đó chính là nhận thức của người tiêu dùng về tính bền vững cũng như các vấn đề phúc lợi xã hội đang tăng lên.
Nhiều vấn đề liên quan đến tính bền vững đã được đưa vào các chương trình chứng nhận của bên thứ 3 như Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (BAP), Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC) và GlobalGAP. Ngoài ra còn có các tổ chức chứng nhận khác giải quyết vấn đề xã hội tại các cơ sở chế biến thủy sản và chuỗi giá trị rộng lớn hơn. Nhưng phúc lợi động vật chỉ được đề cập trong phạm vi tương đối hạn chế trong các chương trình chứng nhận này.
Rất nhiều người trong ngành tôm hiện nay cho rằng, chỉ cần một số chứng nhận quốc tế nói trên là đủ. Tuy nhiên, đã đến lúc toàn ngành tôm phải nhận thức được thực tế đó là: các chứng nhận đó không phải là chìa khóa vạn năng. Trong tương lai, vô số rào cản thị trường sẽ tăng lên cùng với nhiều quy định mới và yêu cầu khắt khe hơn từ phía người tiêu dùng và các chứng nhận không thể giúp doanh nghiệp vượt qua được mọi trở ngại mới này.
Từ lâu, các vấn đề xã hội và tính bền vững đã trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận trong ngành tôm và NTTS nói chung, nhưng phúc lợi động vật chỉ mới được chú ý đến trong thời gian gần đây mà đáng nói nhất là câu chuyện cắt cuống mắt tôm hay giết mổ nhân đạo. Nhiều thị trường châu Âu đang bắt đầu siết chặt các quy định liên quan đến phúc lợi động vật, ví dụ yêu cầu sản phẩm tôm không bị cắt cuống mắt; hoặc phải được xử lý bằng phương pháp nhân đạo trong quá trình chế biến tại nhà máy. Cùng đó, nhiều quốc gia cũng hướng tới sản phẩm thân thiện môi trường và được sản xuất bằng những phương pháp giảm thiểu khí thải. Ngành tôm cần lưu ý vấn đề này bởi lượng khí thải CO2 của các trại tôm hiện đang ở mức cao hơn so với các trại chăn nuôi gia cầm và cá hồi, dù giá trị dinh dưỡng của tôm không thua kém các đối thủ.
Tuy nhiên, ai sẽ là người chi trả tất cả chi phí bổ sung liên quan đến sản xuất tôm bền vững, cũng như chịu trách nhiệm hoàn toàn về phúc lợi động vật và các vấn đề xã hội? Câu hỏi này vẫn đang bị bỏ ngỏ tại các thị trường Mỹ và châu Âu. Nhưng trong tương lai nhận thức của người tiêu dùng về tính bền vững, phúc lợi động vật chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên. Do đó, người nuôi tôm trên toàn cầu buộc phải tích hợp các yếu tố bền vững, phúc lợi động vật và thân thiện môi trường vào trong quá trình sản xuất mới có thể đảm bảo được lợi thế cạnh tranh cho tôm và đưa sản phẩm trở thành lựa chọn protein hàng đầu của người tiêu dùng trên toàn thế giới. Phương pháp sản xuất này cũng là cách thức tạo ra nhu cầu cần thiết để thị trường có thể hấp thụ sản lượng tôm dự kiến tăng cao đáng kể từ Mỹ Latinh, châu Á và nhiều khu vực khác trên thế giới.
Thay vì coi những vấn đề bền vững và phúc lợi động vật là gánh nặng, người nuôi tôm nên tận dụng chúng như những công cụ giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh. Muốn làm được việc này, trước tiên cần xây dựng “văn hóa bền vững” ngay trong ngành công nghiệp tôm và phát triển các một nhóm doanh nghiệp tiên phong dẫn đầu.
Chuyên gia ngành tôm, Shrimp Insights