(TSVN) – Thế giới có 6 nước nuôi tôm lớn, nhưng tôm Việt ở thị trường Mỹ hiện có 2 đối thủ lớn là Ecuador và Ấn Độ (cả hai đều có điểm mạnh là sản lượng lớn và giá bán thấp). Đặc biệt, Ecuador có lợi thế rất gần thị trường Mỹ.
Do đó, nếu đánh giá tương quan ở thị trường Mỹ, thì chúng ta chỉ nên xâm nhập ở phân khúc cao cấp, mà các đối thủ chưa đạt trình độ chế biến để vươn tới hệ thống phân phối này. Còn ở thị trường gần, như Nhật, Australia, Hàn Quốc đã, đang và vẫn sẽ là lợi thế của tôm Việt Nam, nhưng đồng JPY (Yên Nhật) hiện mất giá nhiều quá, nên giá bán tôm Việt cũng bị tăng ảo lên.
Tây Âu là nơi đòi hỏi cao nhất với chuẩn ASC, nhưng tỷ lệ ao nuôi đạt ASC của Việt Nam thấp (chỉ khoảng 5.000 ha), nên tôm Việt vào thị trường này còn chậm. Vì vậy, để đáp ứng thị trường này, chúng ta phải tạo ra được những trang trại nuôi lớn, ứng dụng chuẩn nuôi quốc tế, thì mới tăng thị phần ở EU và tất nhiên vẫn là sản phẩm cấp cao có hàm lượng chế biến sâu. Mà muốn làm được điều này, chúng ta cần có sách lược mới kể cả ở tầm vĩ mô, hay tầm thấp hơn là địa phương và doanh nghiệp.
Giải pháp cần thiết cho ngành tôm Việt ngay bây giờ là tập trung vào hai mắt xích quan trọng nhất của chuỗi giá trị là người nuôi và nhà chế biến. Với nuôi trồng, những quy trình nuôi tôm nhất thiết phải có sự thay đổi kịp thời phù hợp thực tế, cũng như có giải pháp nuôi linh hoạt, phù hợp sự thay đổi của tình hình, nhằm ngăn chặn dịch bệnh và tăng tỷ lệ nuôi thành công… Việt Nam chưa hoàn toàn chủ động được tôm giống bố mẹ, mà hiện đang sử dụng giống nhập của CP hay SIS. Đây đều là những con giống có chất lượng tốt, nhưng cái khó là nguồn giống này vẫn chưa phủ đầy các vùng nuôi, trong khi những con giống chất lượng thấp hơn lại chiếm tỷ lệ cao hơn. Do vậy, giải pháp về con giống cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn, nhất là việc lưu thông, tiêu thụ nguồn con giống kém chất chất lượng, sẽ góp phần tăng được tỷ lệ nuôi thành công lên cao hơn hiện nay.
Chúng ta không nằm ngoài xu thế chung của ngành tôm thế giới, nên cần trang bị thành tựu công nghệ mới trong hoạt động sản xuất của mình. Những khâu, công đoạn nào trong chế biến có thể cơ giới hóa, tự động hóa, thậm chí số hóa cần làm ngay. Nếu tài chính hạn chế cần làm từng bước, nhưng phải xác định đây là vấn đề cần phải thực hiện xuyên suốt trong chiến lược phát triển. Các doanh nghiệp ngày nay không thể hoạt động đơn lẻ, mà phải đáp ứng đòi hỏi của người tiêu dùng, vì vậy các hoạt động phải minh bạch, bền vững. Tiêu chí doanh nghiệp hoạt động bền vững không còn là trào lưu nữa mà là tất yếu.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta