(TSVN) – Dự kiến từ ngày 19 – 28/10/2022, đoàn của EC sẽ đến nước ta kiểm tra việc thực hiện các khuyến nghị về chống IUU – chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý.
Nước ta bị EC cảnh báo “thẻ vàng” từ ngày 23/10/2017 đến nay đã 5 năm, trong lúc Thái Lan cũng từng bị EC cảnh “báo thẻ” vàng nhưng chỉ 2 năm đã gỡ được. Nhiều vấn đề đang đặt ra cho nghề cá nước ta phải thẳng thắn nhìn nhận và nghiêm túc khắc phục.
Hiện, EC có 4 khuyến nghị với nghề cá nước ta: Chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; Quản lý tàu trên biển chặt chẽ; Truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác đồng bộ; Thực thi pháp luật nghiêm. Cả 4 nội dung trong thực tế đang có khoảng cách xa với yêu cầu.
Tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài: trong 8 tháng đầu năm nay vẫn có 62 vụ/92 tàu/845 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Quản lý tàu trên biển: hiện còn gần 36% số tàu cá chưa được cấp phép khai thác, trong số 95,3% tàu cá đã lắp đặt hệ thống giám sát hành trình thì có tới 45 – 55% số tàu thường xuyên mất kết nối. Truy xuất nguồn gốc hải sản ở các cảng cá: mới đạt từ 23 – 55%, có 5 tỉnh và thành phố ven biển chưa thống kê sản lượng khai thác được kiểm soát qua cảng. Việc thực thi pháp luật: tỷ lệ xử lý vi phạm còn thấp, chưa hiệu quả và chưa đồng bộ.
Một điều đáng lo ngại được thẳng thắn nêu ra tại các cuộc họp của Bộ NN&PTNT gần đầy là việc xử phạt tàu cá vi phạm năm nay ở các địa phương rất thấp so với những năm trước. Điều này có thể khiến thanh tra EU đặt nghi vấn là các địa phương không duy trì nghiêm luật pháp. Còn hệ thống thiết bị giám sát hành trình tàu cá, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản nêu rõ, khi EC kiểm tra, dù chỉ còn 1 – 2% số tàu chưa lắp, thậm chỉ chỉ cần 1 tàu không gắn hệ thống giám sát hành trình cũng đủ để đặt ra nghi vấn còn tình trạng khai thác bất hợp pháp. Tất cả những điều đó đang đặt ra các nhiệm vụ cụ thể, khẩn trương.
Xuất khẩu thủy sản sang EU đang chiếm khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước, trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 1 tỷ USD trong tổng kim ngạch 8,5 tỷ USD, còn năm 2021 hơn 1,2 tỷ USD. Nếu “thẻ vàng” không được gỡ và tình hình xấu hơn là bị “thẻ đỏ” thì ngành thủy sản nước ta sẽ thiệt hại lớn. Uy tín thủy sản Việt Nam sẽ giảm sút nghiêm trọng trên thị trường thế giới, nhất là nhiều thị trường khác như Mỹ, Nhật cũng đang đòi hỏi nghề cá minh bạch và thiệt hại là chưa thể lường trước được.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương, lực lượng liên quan trực 24/24 giờ hàng ngày để nắm rõ và xử lý kịp thời, nghiêm minh tình trạng tàu cá mất kết nối, không để các vụ vi phạm ảnh hưởng tới sinh kế của hàng triệu ngư dân, hoạt động xuất, nhập khẩu và hình ảnh đất nước. “Khai thác hải sản bền vững không chỉ để gỡ “thẻ vàng” IUU, mà sâu xa là bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi hải sản, giữ gìn hệ sinh thái và chống biến đổi khí hậu, những vấn đề đang cần sự chung tay của toàn cầu. Đây cũng là việc làm để chuyển đổi tư duy, từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, xây dựng nghề cá hiện đại”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.