(TSVN) – Thống kê của FAO, hiện nay trên thế giới sản lượng thủy sản nuôi trồng đã tương đương khai thác và đang không ngừng tăng.
Thủy sản tiêu thụ bình quân đầu người trên thế giới trong 30 năm qua, tăng gấp gần 2 lần, trong đó thủy sản nuôi trồng chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Năm 2020 đã có 14 loài thủy sản nuôi trồng vượt sản lượng 1 triệu tấn, có loài trên 10 triệu tấn. Hoạt động NTTS vẫn không ngừng phát triển, từ nuôi nội địa đang vươn ra nuôi biển và sản lượng nuôi biển đã bằng khoảng 2/3 nuôi nội địa.
Tuy nhiên, NTTS đang gặp nhiều trở ngại, thách thức lớn. Trước tiên là các tác động tiêu cực: Gây ô nhiễm môi trường từ thức ăn và chất thải, làm cạn kiệt và ô nhiễm nước ngầm, tồn lưu hóa chất, mặn hóa và suy thoái đất, tàn phá sinh cảnh và nguồn lợi tự nhiên, dịch bệnh và suy thoái di truyền. Nhất là càng thâm canh theo hướng phát triển hiện nay thì nguy cơ gây ô nhiễm môi trường càng lớn.
Từ đó, vấn đề NTTS bền vững đã được đặt ra. Yêu cầu cấp bách trong phát triển NTTS phải quản lý và bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Gồm bảo tồn đất, nước, nguồn gen động thực vật, không làm suy thoái môi trường. Để đạt được điều đó, cần chú trọng cải tiến quy trình kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin và IoT.
PGS.TS Phạm Thanh Liêm ở Trường Đại học Cần Thơ cho biết, xu hướng ứng dụng công nghệ NTTS đảm bảo bền vững có mấy điểm chính sau. Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống từ quản lý cá, tôm bố mẹ đến cải thiện di truyền và chất lượng giống; ứng dụng công nghệ nuôi trồng giảm tác động môi trường từ vật liệu mới đến hệ thống nuôi hiện đại.
Trong đó, nuôi biển đang phát triển phải là lồng hiện đại sử dụng năng lượng tái tạo, lồng tự hành với thiết bị lặn không người lái, thiết bị bay không người lái cho phép quản lý lồng nuôi thông qua công nghệ cảm biến. Thiết bị máy bay không người lái có thể phát video trực tiếp để người nuôi kiểm tra sức khỏe của sinh vật nuôi dưới nước mà không phải chịu bất kỳ rủi ro nào.
Đặc biệt là hệ thống nuôi thủy sản tuần hoàn đang được ứng dụng rộng rãi, đưa lại nhiều kết quả tốt cả trong nội địa và trên biển. Hệ thống này với camera, thiết bị cảm biến, tự động điều khiển chất lượng nước, máy cho ăn tự động sử dụng trong nuôi lồng trên biển hoặc trong đất liền. Nuôi kết hợp đa loài – tuần hoàn cũng là một giải pháp có kết quả cao.
Nuôi theo tiêu chuẩn GAP đang là đảm bảo ATTP, tác động môi trường tối thiểu, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học, tuân thủ các yêu cầu về an sinh động vật cũng như sức khỏe và an toàn cho người lao động. Nuôi đảm bảo an sinh động vật là yếu tố quan trọng trong việc xác định sản xuất và khai thác thủy sản có trách nhiệm; cũng là một yếu tố quan trọng khi đánh giá chất lượng của sản phẩm.
Xu hướng công nghệ nổi bật nhất là Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence – AI), giúp phát hiện các vấn đề dưới nước (ô nhiễm, sức khỏe, công trình nuôi…) cảnh báo người nuôi trước khi xảy ra thiệt hại, tổn thất. Người nuôi có thể đưa giải pháp, gửi robot tự vận hành để khắc phục. “Trong tương lai, các quyết định sẽ được thực hiện một cách tự động”, PGS.TS Phạm Thanh Liêm nhấn mạnh.