Việt Nam đặt mục tiêu tăng 4,5% trị giá xuất khẩu thủy sản năm nay sau khi con số năm ngoái giảm 1,2 tỷ USD.
Biến động tỷ giá ngoại tệ được cho là một phần nguyên nhân, cùng với đó là sự suy yếu nhu cầu tiêu thụ tại nhiều thị trường nhập khẩu, đặc biệt là châu Âu và Mỹ. Tuy vậy, xuất khẩu thủy sản sụt giảm vào năm ngoái đánh dấu khoảng thời gian đầy thách thức cho ngành thủy sản, mà tới gần đây mới được nhìn nhận là có tốc độ tăng trưởng liên tiếp cả về sản lượng và trị giá xuất khẩu suốt 20 năm qua. Mặc dù sản lượng tăng, nhưng độ an toàn của những mặt hàng thủy sản Việt Nam và vấn đề liên quan chất lượng, cùng sự cạnh tranh từ những nước nuôi tôm lớn đã và đang ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Thật đáng lo ngại khi mà số lượng các lô hàng bị nước nhập khẩu từ chối hoặc trả về do tồn dư kháng sinh hoặc không đảm bảo an toàn vệ sinh ngày một gia tăng.
Thủy sản nuôi chiếm 65% tổng khối lượng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong đó, tôm đông lạnh, chủ yếu tôm sú, là mặt hàng chiếm khối lượng lớn nhất, khoảng 1/2 trị giá xuất khẩu, tiếp theo là cá tra, basa. Thế giới cũng ghi nhận, Việt Nam là một trong những nước có ngành chế biến thủy sản lớn nhất thế giới, trong đó, chế biến cá tra giữ vị trí đầu bảng, tôm giữ vị trí thứ 5 và chế biến cá ngừ nằm trong top 10. Sau khi tôm Thái Lan và Ecuador tổn hại do dịch bệnh EMS vào năm 2014, ngành tôm Việt Nam tận dụng cơ hội bứt phá, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, sự cạnh tranh gay gắt từ tôm Ấn Độ, Nam Mỹ và một số nước Đông Nam Á khác cũng đang là trở ngại lớn với các hãng sản xuất tôm của Việt Nam. Gần đây, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại thị trường quốc tế đã có dấu hiệu tăng, đặc biệt với mặt hàng tôm, nhưng sự cạnh tranh từ thủy sản Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc vẫn đang là thách thức lớn với các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhất là sau khi các quốc gia kể trên đã phá giá tiền tệ nhằm nâng cao cạnh tranh xuất khẩu.
Không chỉ vậy, ngành tôm Việt Nam còn đối diện nhiều khó khăn do môi trường nhiễm mặn hoặc các vấn đề ô nhiễm khác. Rất nhiều thị trường nước ngoài đã gia tăng cảnh báo an toàn thực phẩm suốt 18 tháng qua với thủy sản Việt Nam, trong đó có những thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU và Liên minh kinh tế Á – Âu. Tuy vậy, không thể phủ nhận, ngành chế biến thủy sản của Việt Nam vẫn đang lớn mạnh và có tốc độ phát triển nhanh nhất khối ASEAN. Nếu Thái Lan, Indonesia mạnh về nguồn cung nguyên liệu, thì Việt Nam lại mạnh về chế biến. Có lẽ, điều mà thủy sản Việt Nam cần lưu tâm hơn hết chính là tăng sức cạnh tranh và không sử dụng kháng sinh cấm để nuôi tôm và các loài thủy sản khác vì việc phát hiện tồn dư kháng sinh hay chất cấm sẽ tước đi mọi cơ hội tiếp cận các thị trường tiềm năng trên thế giới và cái đích 7 tỷ USD trị giá xuất khẩu sẽ trở nên xa vời.
Biên tập viên Worldfishing