GS-TS Võ Tòng Xuân là một trong những chuyên gia nông nghiệp hàng đầu, nhiều ý tưởng mới, táo bạo, trên cơ sở nghiên cứu khoa học và tư duy cởi mở. Với ngành thủy sản, ông rất tâm huyết cùng chủ trương xây dựng những vùng chuyên canh lớn.
GS-TS Võ Tòng Xuân nhiều năm xây dựng Trường Đại học An Giang, hiện ông là Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo. Đến thăm ông, chúng tôi thấy ông tá túc trong khu tập thể giáo viên và sinh viên ĐH Tân Tạo, xung quanh là đồng lúa, vựa tôm. Muốn đi uống cà phê ở thị trấn cũng phải vượt đoạn đường khá xa. Ông bảo, như thế càng có thêm thời gian nghiên cứu khoa học.
Cánh đồng lớn là gì?
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, cánh đồng lớn là những vùng chuyên canh hàng trăm, hàng ngàn ha. “Khi học tiến sĩ ở Nhật, tôi đã thấy những cánh đồng thủy sản lớn của họ. Tôi từng đi thực tế hàng tháng trên các tàu đánh cá với hàng trăm chiếc của Nhật. Tôi đặc biệt quan tâm, vì sao họ làm như vậy, đó có phải giải pháp tốt không?”. Cánh đồng mẫu lớn không đơn thuần nhằm giải quyết những mâu thuẫn trong sản xuất và chế biến, xuất khẩu của thời hiện đại. “Sản xuất manh mún sẽ cho ra rất nhiều loại sản phẩm chất lượng không đồng đều, giá không cao. Điều đó lý giải vì sao sản phẩm của chúng ta luôn bị trả giá thấp hơn nhiều nước khác”.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, nông dân phải là người chủ chính trên cánh đồng lớn – Ảnh: Thanh Nhã
Cùng đó, một căn bệnh trầm kha của Việt Nam là sự nuôi trồng và tiêu thụ không nhịp nhàng dẫn đến cảnh lúc thiếu lúc thừa nguyên liệu. Ở những nước tiên tiến, các vùng chuyên canh lớn đều nuôi trồng theo tiến độ hợp đồng; khi nơi này thu hoạch tôm thì nơi khác tôm đang lớn; cứ thế nối nhau. Họ không bao giờ bị rơi vào cảnh thừa tôm mà thiếu nhà máy hoặc tranh mua tranh bán như ở ta. Sự dồn ứ nguyên liệu hải sản dẫn đến việc phải phát triển các nhà máy đông lạnh, mở thêm dây chuyền chế biến, khiến các công ty phải đầu tư rất lớn. Nông dân luôn lo sợ cá của họ bị quá lứa, không nơi tiêu thụ. Cần phải thay đổi cách nuôi trồng và chế biến” – Ông nói.
Bản chất cánh đồng lớn
Nhiều người tưởng cánh đồng lớn chỉ nhằm phục vụ xuất khẩu. “Đó mới chỉ là một lợi ích của cánh đồng lớn”. Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, cánh đồng lớn chính là tâm điểm để kết nối bốn nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà sản xuất xuất khẩu và nhà khoa học. Với diện tích dăm trăm mét vuông đến 1 ha nuôi trồng thủy sản, các ngư trại rất khó tiếp cận vốn đầu tư hay lấy được hợp đồng lớn, chưa kể tiếp cận khoa học.
Việt Nam đã có một số vùng nuôi với diện tích lớn; nhưng những cánh đồng diện tích lớn mà chỉ do một chủ đầu tư, một nhà máy, một công ty làm chủ thì chưa hoàn toàn là cánh đồng lớn mà GS-TS Võ Tòng Xuân hướng tới. Tại những cánh đồng lớn, theo ông, người chủ chính là nông dân. Họ sẽ đóng góp bằng đất đai của họ. Họ là chủ chứ không là người làm công ăn lương. Các cánh đồng ở Nhật cũng được duy trì bằng hình thức góp sức của nông dân chứ không chỉ là chuyện riêng của nhà máy, đại gia.
Chính người nông dân sẽ phát triển ngành nông nghiệp bền vững nhất. “Làm sao để nông dân không bị mất đất và bần cùng hóa? Nếu thua lỗ dài, họ sẽ bán đất trả nợ và mất hết tư liệu sản xuất. Trong cánh đồng lớn, họ sẽ dùng đất của mình để nuôi trồng thủy sản, tôm – lúa; sẽ không phải bán đất của mình cho các công ty, họ chỉ liên kết với các thành phần khác mà thôi. Đây là bản chất của cánh đồng mẫu lớn”.
Đồng tâm, hợp lực cho ngày mai
Những cánh đồng mẫu lớn sẽ không sản xuất theo kiểu bao cấp trước kia mà theo nhu cầu thị trường. Tham gia chuỗi liên kết, người nông dân sẽ biết rõ thị trường cần gì và mình phải làm gì. Các công ty chế biến và xuất khẩu sẽ cho họ biết cần phải nuôi trồng thế nào.
“Thị trường thì không thể không tính đến lợi nhuận. Hiện, vấn đề lợi nhuận ở ta không thống nhất. Khi có khách hàng trả cao hơn, nông dân có thể bán đi sản phẩm của mình chứ không bán cho nhà máy đã hợp đồng. Ngược lại, nhà máy cũng sẵn sàng đi tìm nguồn nguyên liệu rẻ hơn. Khi liên kết bốn nhà, lợi nhuận sẽ được chia đều cho tất cả các khâu, thậm chí rủi ro cũng chia đều hơn”.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, không phải nhà máy hay người nông dân không mặn mà với những mô hình mới, nhất là mô hình cánh đồng lớn. Ngoài khó khăn từ tập quán canh tác nhỏ lẻ ngàn xưa truyền lại, vấn đề luật đất đai, hạn điền cũng là trở ngại không nhỏ. Mô hình liên kết cũng cần phải có những chủ thể. Ở Nhật, hợp tác xã giữ vai trò trung tâm xây dựng mô hình cánh đồng lớn. Tuy nhiên, “HTX của họ được xây dựng trên nguyên tắc dân chủ, tự nguyện của những người cùng nghề với nhau; mối liên hệ giữa các thành viên rất chặt chẽ và có tính kỷ luật cao” – GS-TS Võ Tòng Xuân cho biết.
GS-TS Võ Tòng Xuân đang thử nghiệm mô hình cánh đồng mẫu lớn 110 ha ở Long An, trước mắt cho trồng lúa. Theo ông, nuôi trồng thủy sản cũng cần có những mô hình tương tự và khả năng thành công rất lớn.
Trước tình hình dịch bệnh tôm kéo dài nhiều năm chưa giải quyết được, gặp chúng tôi trong Hội nghị xây dựng đề án phát triển 100 năm cho ĐBSCL, GS-TS Võ Tòng Xuân nói: “Nếu thực hiện liên kết 4 nhà trên cánh đồng lớn thì khả năng nuôi tôm thành công sẽ nhiều hơn. Tỷ lệ nuôi thất bại cao trong mấy năm qua rất đáng để chúng ta suy ngẫm về mô hình nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu hiện nay”.
“Người nông dân của chúng ta đã không được thụ hưởng nhiều chính sách và sự phát triển, vì họ đang nuôi trồng ở quy mô trang trại nhỏ”. (GS-TS Võ Tòng Xuân) |