Dễ nuôi, vốn đầu tư ít, hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt có thể tận dụng được diện tích mặt nước trên những thửa ruộng lúa bậc thang…, mô hình nuôi cá Chép xen lúa ở xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) đã mang lại hiệu quả thiết thực; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của bà con nơi đây.
Với diện tích mặt nước rộng, nguồn nước dồi dào, xã Hồ Thầu có tiềm năng lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản; trong đo, nuôi cá trong ruộng lúa là một hình thức canh tác xen kẽ làm tăng thu nhập trên cùng một thửa ruộng… Nhiều năm qua, gia đình ông Bàn Quầy Lụa, thôn Trung Thành đã tận dụng, áp dụng biện pháp truyền thống thả cá xen lúa cho thu nhập đáng kể; vụ Mùa vừa qua, gia đình ông Lụa tận dụng hơn 3.000 m2 ruộng vừa cấy lúa vừa thả cá. Ông Lụa chia sẻ: Đây là một cách làm hay, hiệu quả lại tận dụng được nguồn nước; khi thả cá vào ruộng thì nguồn ôxy trong đất, nước sẽ được thường xuyên trao đổi rất có lợi cho sự phát triển của cây lúa. Hơn nữa cá cũng có tác dụng giúp diệt các loại ốc hay một số loại sâu, bọ hại lúa… Qua hơn 3 tháng nuôi, cá Chép sẽ cho thu hoạch với sản lượng từ 40 – 50 kg/1.000 m2 mặt nước, với giá bán bình quân từ 70.000 – 100.000 đồng/kg, mỗi vụ nuôi cá như vậy, gia đình ông thu lãi trên 10 triệu đồng.
Gia đình ông Bàn Quầy Lụa (trái) thu hoạch cá Chép sau mỗi vụ lúa.
Đồng chí Trương Công Định, Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu cho biết: Hiện nay, toàn xã có hơn 300 hộ nuôi cá Chép trong những ruộng lúa của mình với diện tích hơn 120 ha. Mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi cá đang là một hướng đi mang tính bền vững của các hộ nuôi trồng thủy sản trong xã. Xét trên nhiều phương diện thì lợi ích mang lại từ mô hình này đã giúp cho việc giảm sâu bệnh hại lúa, giảm lượng phân bón, thuốc trừ sâu độc hại cho môi trường, giảm chi phí thức ăn từ việc nuôi cá. Nuôi cá trong ruộng lúa còn giúp người nông dân giảm được chi phí làm cỏ, chí phí thuốc bảo vệ thực vật, chi phí đầu tư thức ăn cho cá. Bởi vì, cá – lúa có mối quan hệ cộng sinh với nhau, cùng sống trong ruộng lúa nhưng không có sự cạnh tranh về thức ăn, ngược lại có sự hỗ trợ lẫn nhau. Ruộng lúa cung cấp rơm rạ mục, thóc rụng, sâu bọ, các loài động vật sống trong ruộng lúa để làm thức ăn cho cá nên người nông dân có thể tiết kiệm được chi phí thức ăn cho cá. Ngược lại, các loại chất thải của cá tích tụ có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn cho ruộng lúa, giảm chi phí làm đất. Kết hợp nuôi cá trong ruộng lúa còn tận dụng được thời gian nhàn rỗi của người dân trong mùa vụ, tăng thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác, cải thiện đời sống và góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Cũng theo anh Định, để khai thác được hết các tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần đẩy mạnh ngành chăn nuôi thủy sản phát triển; trong thời gian tới, xã Hồ Thầu sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý giống và áp dụng các biện pháp KHKT vào sản xuất, đưa năng suất cá – lúa xen canh tăng cao; tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi cá trong ruộng lúa mang lại hiệu quả; phối hợp với các ngành chức năng có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cung ứng giống, kỹ thuật cho người dân; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tập trung hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản đến từng thôn, bản và hộ dân, có như vậy phong trào nuôi cá Chép ruộng ở Hồ Thầu mới thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.