(TSVN) – Thống kê sơ bộ cho thấy, tại Hà Nam, bão số 3 (bão YAGI) và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại gần 590 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Thời điểm này, địa phương đang thực hiện các giải pháp để chủ động sản xuất, đảm bảo an toàn và phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản sau mưa bão.
Ông Nguyễn Văn Đô, Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản xã Chuyên Ngoại (huyện Duy Tiên) cho biết: “Trên 7 km sông Hồng thuộc địa bàn xã hiện nay đang có mấy chục hộ dân sống bằng nghề nuôi cá lồng với tổng số 169 lồng được chia thành 10 cụm bè nuôi cá trên sông. Qua thống kê của hợp tác xã để báo cáo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các tổ chức tín dụng – nơi chúng tôi vay vốn, trong số 169 lồng cá của các hộ dân thì có tới 124 lồng bị ảnh hưởng, với mức thiệt hại ước 21 tỷ 691 triệu đồng”.
“Trong đó, thiệt hại về tài sản cố định như: Lồng bè, dây neo, lưới, cầu đi, kho để cám và các vật tư khác tính bình quân 15 triệu đồng/lồng, quy ra tiền khoảng 1 tỷ 860 triệu đồng; thiệt hại nặng nề nhất là cá của các lồng bị sóng đánh ra ngoài sông trong những ngày bão, lũ dâng cao và cá chết sau lũ. Hợp tác xã ước tính mất hơn 70% số lượng cá có trước bão (tương đương khoảng 263,4 tấn). Với giá cá hiện nay trên thị trường, số lượng cá chết đã gây thiệt hại gần 20 tỷ đồng”, ông Đô chia sẻ thêm.
Để khắc phục hậu quả bão, lũ, hiện nay các chủ lồng, bè tranh thủ thời gian gia cố lại các lồng bè bị hư hỏng; thực hiện chằng buộc, níu giữ ổn định các lồng bè trên sông; tập trung vá lại các mảng lưới bị rách do nước lũ và cây cối trôi dạt trên sông đâm đụng, gây hư hỏng trong những ngày nước lũ dâng cao.
Sở NN&PTNT Hà Nam đã ban hành văn bản số 1203/SNN-CN&TY ngày 12/9/2024 đề nghị UBND các huyện/thị xã/thành phố chỉ đạo đơn vị chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương thực hiện các giải pháp để ổn định sản xuất.
Theo đó, người nuôi cần áp dụng mọi biện pháp để ngăn chặn, hạn chế tối đa thủy sản thất thoát khi vùng nuôi bị ngập, nước lũ dâng cao. Tăng cường kiểm tra, loại bỏ rác thải có nguy cơ hoặc đang ảnh hưởng trực tiếp vào lồng nuôi, di chuyển cá ở các ô lồng bị ảnh hưởng lớn của nước lũ vào khu vực an toàn hơn. Thu hoạch cá đạt kích cỡ thương phẩm;
Khi nước rút, kiểm tra, tu sửa bờ ao, hệ thống dây neo, phao lồng và các công trình phụ trợ. Thu gom, xử lý rác thải trong ao và khu vực lồng nuôi (nếu có), vệ sinh lồng bè, lưới để đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất trở lại bình thường. Trường hợp vị trí lồng, bè không phù hợp cần di chuyển đến nơi nước sạch hoặc di chuyển cá vào ao nuôi;
Tiến hành quạt nước, sục khí để hạn chế sự phân tầng. Kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước đảm bảo nằm trong giới hạn cho phép như treo túi vôi quanh lồng nuôi; sử dụng vôi bột, Dolomite để khử trùng, tăng pH và giảm độ đục của nước ao nuôi sau khi mưa, lũ, ngập lụt. Trường hợp môi trường nuôi bị ô nhiễm sử dụng thuốc, hóa chất và các sản phẩm xử lý môi trường để tiêu độc, khử trùng, cải thiện chất lượng nước với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất;
Bổ sung vitamin, khoáng, vi chất, men tiêu hóa,… vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi; thường xuyên theo dõi diễn biến của các yếu tố môi trường và sức khỏe của vật nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời;
Nếu có thủy sản bị chết cần xử lý theo hướng dẫn của cơ quan quản lý, cán bộ thú y địa phương. Kê khai, báo cáo chính xác diện tích, mức độ thiệt hại với chính quyền địa phương (nếu có) theo quy định.
Nam Cường