(TSVN) – Nhiều năm gần đây, mô hình nuôi ốc nhồi được nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Hà Nam mạnh dạn triển khai, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tỉnh Hà Nam hiện có trên 5.000 ha diện tích mặt nước nuôi thủy sản. Những năm gần đây, cùng với khai thác diện tích mặt nước nuôi cá theo hướng thâm canh, chuyên canh, người dân trong tỉnh đang đẩy mạnh phát triển các loại thủy đặc sản, với tổng diện tích nuôi ước khoảng gần 100 ha. Trong đó, phải kể đến mô hình nuôi ốc nhồi đang phát triển mạnh ở nhiều địa phương. Hướng đi này giúp nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân.
Ốc nhồi có nhiều ưu điểm hơn so với các loại thủy sản khác. Ảnh: ST
Ốc nhồi có đặc tính dễ nuôi, ít dịch bệnh, nguồn thức ăn dồi dào, đơn giản và sẵn có tại địa phương. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư vào mô hình này cũng không nhiều mà hiệu quả kinh tế mang lại khá cao nên rất phù hợp để khởi nghiệp với điều kiện kinh tế của người dân nông thôn. Đặc biệt, đối tượng này cũng phù hợp với những ao nuôi diện tích nhỏ, nuôi cá kém hiệu quả và ít dịch bệnh. Về hiệu quả kinh tế, hiện 1 kg ốc nhồi thương phẩm đang được người dân bán với giá trung bình 70.000 đồng/kg. Năng suất ốc nhồi đạt 6 – 7 tấn/ha, đạt giá trị 450 – 460 triệu đồng/ha, cao gấp 3 – 5 lần nuôi cá truyền thống (trắm trắng, mè, trôi…). Thị trường tiêu thụ ốc thương phẩm rất rộng, thương lái về tận ao nuôi thu mua đưa đi các tỉnh, thành phố.
Theo chị Nguyễn Thị Hiếu (xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân), nuôi ốc nhồi không vất vả, người nuôi chỉ cần chăm chỉ cắt cỏ, cắt rau, thu gom củ quả thừa bỏ đi ngoài ruộng, tránh khu vực có thuốc trừ sâu để làm thức ăn cho ốc. Còn diện tích mặt nước để nuôi cũng không quá phức tạp, chỉ cần ruộng bảo đảm đủ nước, hoặc ao là được. Mỗi sào diện tích mặt nước có thể nuôi vài vạn con ốc, sau 3 đến 4 tháng là có thể thu hoạch.
Anh Nguyễn Hữu Hưng, Đồng Thủy (xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân) là người đầu tiên đưa ốc nhồi về nuôi tại địa phương, xuất phát điểm khoảng 50 cặp ốc bố mẹ cách đây hơn 15 năm. Từ đó, anh nhân giống cung cấp cho người nuôi trong vùng và xuất bán đi nhiều tỉnh, thành phố. Đồng thời, thu mua ốc thương phẩm bán ra thị trường, có thời điểm diện tích thu mua ốc khoảng 20 ha. Hiện nay thị trường thuận lợi và rộng hơn, anh Hưng không còn thu mua ốc cho người dân, nhưng vẫn đang duy trì diện tích nuôi ốc nhồi của gia đình hơn 1 ha.
Hiện xã Nhân Thịnh đã hình thành vùng nuôi ốc nhồi chuyên canh có tổng diện tích ước khoảng 30 ha. Phần lớn các ao dọc đê sông Hồng và trong khu dân cư của xã đều được người dân lựa chọn nuôi ốc nhồi. Đối tượng con nuôi thủy đặc sản này có nhiều ưu điểm và ưu thế so với các loại thủy sản khác. Nuôi ốc nhồi chỉ phải mua giống lần đầu, sau đó người dân có thể tự sản xuất ra giống qua việc thu gom trứng ấp nở. Thức ăn của ốc hoàn toàn từ tự nhiên, bằng các loại rau, củ, quả thải loại và một số hoa quả, sản phẩm nông nghiệp khác.
Cùng với ốc nhồi, các mô hình nuôi thủy đặc sản khác đang phát huy hiệu quả khá tốt. Nhu cầu thị trường đối với sản phẩm thủy đặc sản ngày càng tăng là thuận lợi lớn cho việc phát triển sản xuất của người dân… Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, người dân cần nắm vững kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh với một số đối tượng nuôi. Đây là vấn đề cần ngành chuyên môn quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nam cho biết: “Hiệu quả của nuôi thủy đặc sản được chứng minh tại những mô hình đã áp dụng trong tỉnh. Quan trọng nhất, người dân cần cân nhắc, tìm hiểu kỹ để lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình. Về phía Chi cục sẽ đảm nhiệm công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi, phòng chống dịch bệnh cho thủy đặc sản khi có nhu cầu của địa phương và người dân cùng với nhiệm vụ chuyên môn chung”.
Nguyễn Hằng