Hà Nội: Hiệu quả mô hình nuôi cá “sông trong ao”

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội giới thiệu mô hình “sông trong ao” cho người nuôi và tham quan tại nhiều địa phương đã triển khai. Nhờ vậy, các hộ nuôi trên địa bàn thành phố đã áp dụng thành công mô hình này. Cá nuôi với mật độ gấp 10 lần, sản lượng gấp 2 – 3 lần so với ao thường, chất lượng thịt cá dai, ngon hơn…

Mạnh dạn đầu tư

Năm 2018, ông Đặng Văn Duân ở thôn Lưu Khê, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa triển khai nuôi theo quy trình này với quy mô diện tích 2 ha. Ông xây 2 bể có đáy thảm bê tông cứng với kích thước mỗi bể chiều rộng 5 m, chiều dài 25 m, sâu 2 m, bể dốc về phía đuôi và có hệ thống xử lý phân ở cuối bể. Chi phí đầu tư ban đầu mỗi bể khoảng 150 triệu đồng. Theo đó, mỗi bể nuôi cá được lắp đặt hệ thống thiết bị kỹ thuật khép kín như máy tạo sóng, máy nén khí, máy sủi cung cấp ôxy, máy quạt nước, hệ thống máy hút chất thải đáy… tạo nên dòng chảy liên tục trong ao.

Mô phỏng thiết kế 2 bể nuôi (diện tích 125 m2) trong ao nuôi (diện tích 10.000 m2). Nguồn: TTKNQG

Ông Duân chia sẻ, nếu như trước đây, nuôi theo phương pháp truyền thống khi có khách hàng đặt mua cá, phải thuê người kéo lưới, dù đánh ít hay nhiều thì 1 mẻ lưới cũng cần phải thuê 4 – 6 người với giá tiền công 250.000 đồng/người/ngày. Nay, nuôi trong bể theo công nghệ “sông trong ao”, dù khách đặt hàng vài chục kg/lần hay vài tạ/lần cũng thu hoạch dễ dàng. Mặt khác, cá nuôi trong bể sạch được sục khí, hút chất thải thường xuyên nên không có mùi tanh.

Khuyến cáo kỹ thuật nuôi

Theo Trạm Khuyến nông huyện Ứng Hòa, đối với mô hình nuôi cá “sông trong ao”, người nuôi cần lưu ý về môi trường nuôi, không được chăn thả vịt trong ao, định kỳ 6 tháng/lần sử dụng chế phẩm vi sinh làm sạch đáy. Thiết kế xây dựng sông đúng tiêu chuẩn về độ sâu để đảm bảo thể tích nước, cuối sông cần bố trí máy hút phân, chất thải thừa ra ngoài giúp môi trường nước luôn được đảm bảo, nguồn điện cung cấp phải ổn định.

Với công nghệ này, điểm quan trọng nhất là người nuôi phải duy trì máy thổi khí cung cấp đủ ôxy cho cá 24/24 giờ. Nếu mất điện, phải có máy phát dự phòng, đảm bảo hệ thống thổi khí luôn hoạt động. Cùng đó, thường xuyên kiểm tra và vệ sinh lưới lọc, các màng chắn và các đầu thổi khí để đảm bảo lưu lượng nước luôn tuần hoàn trong hệ thống sông.

Với hệ thống máy nén khí, có công dụng giúp giải phóng khí độc, đồng thời khí nén xuống đáy bể cũng tạo ra dòng chảy đẩy các chất thải về một phía và đọng lại ở bể tĩnh phía sau, tăng cường hàm lượng ôxy hòa tan trong nước giúp người nuôi có thể nuôi cá với mật độ cao, nuôi được nhiều vụ trong năm nên năng suất, sản lượng cũng cao gấp 2 – 3 lần nuôi trong ao thường.

Thức ăn cho cá phải đảm bảo về chất lượng, bảo quản tại nơi cao, khô ráo, thoáng mát để tránh bị ẩm mốc. Các bể cá được sử dụng các chế phẩm vi sinh định kỳ 6 tháng/lần để làm sạch đáy nuôi. Đối với nước, định kỳ 1 tháng/lần đem mẫu đi nhờ các cán bộ chuyên gia kiểm tra độ pH. Như vậy, đảm bảo môi trường sống và chế độ dinh dưỡng cho cá phát triển tốt, hạn chế được rủi ro.

Diện tích bể tạo sông so với ao nuôi theo tỷ lệ 1/20, số lượng cá nuôi được thả tối đa với mật độ 7.000 con/bể/ha; phần ao còn lại sẽ được thả các loại cá có đặc tính ăn tạp để tận dụng các thức ăn dư thừa. Với mô hình công nghệ “sông trong ao”, nhiệt độ trong bể luôn được duy trì ổn định ở 28 – 30°C, độ pH trong nước thích hợp cho cá phát triển từ 5 – 6, hàm lượng ôxy hòa tan 4 mg/l. Nước thường xuyên được luân chuyển nên mát vào mùa hè và không bị lạnh vào mùa đông. Riêng lượng chất thải, phân của cá được thu gom hàng ngày.

Cải thiện chất lượng cá thương phẩm

 “Nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” có nhiều thuận lợi như điều chỉnh được điều kiện thời tiết, khí hậu, nhất là nguồn nước trong, sạch, hàm lượng ôxy, pH trong nước đạt tiêu chuẩn. Nguồn nước không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài tác động nên cá sạch, thịt cá thơm ngon, đặc biệt là không bị tồn dư kim loại, hóa chất trong cá” – ông Duân chia sẻ.

Mỗi năm nuôi 2 lứa trên diện tích 2 ha, gia đình ông Duân cung cấp cho thị trường 60 tấn cá, bao gồm cá trắm cỡ 4 – 5 kg/con được bán với giá 55.000 đồng/kg; cá chép, mè, trôi loại 3 – 4 kg/con được bán với giá 44.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết các chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng 280 triệu đồng/năm.

Từ hiệu quả của mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao”, ông Duân dự định sắp tới sẽ mở rộng quy mô diện tích nuôi và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những hộ gia đình trong vùng có nhu cầu nuôi cá theo phương pháp này.

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!