T2, 06/07/2020 11:40

Hà Nội: Tăng cường bảo vệ khu bảo tồn loài và sinh vật cảnh hồ Hoàn Kiếm

Chưa có đánh giá về bài viết

Rùa Hoàn Kiếm là loài đặc hữu ở Việt Nam. Theo các nhà khoa học, trên thế giới chỉ còn 4 cá thể rùa giống như rùa hồ Hoàn Kiếm, trong đó một cá thể sống ở hồ này và một cá thể sống tại hồ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội). Hai cá thể còn lại được nuôi nhốt tại Trung Quốc.

Theo quy luật của diễn thế sinh thái, hồ Hoàn Kiếm có thể trở thành đầm lầy nếu không được nạo vét để tăng độ sâu. Mực nước hồ có dao động lớn giữa mùa khô và mùa mưa. Thể tích nước hồ cũng ảnh hưởng đáng kể đến nồng độ của các chất trong lòng hồ. Nếu thể tích nước giảm thì nồng độ các chất trở nên đậm đặc, gây hậu quả xấu đối với hệ sinh thái. Do vậy, hồ cần được tăng độ sâu để tăng thể tích nước đến một mức thỏa đáng.

Đặc điểm nổi bật của hồ là màu xanh đặc thù do các loài tảo đặc hữu và sự tồn tại hàng trăm năm của giống rùa quý. Thành phần thực vật phù du hồ Hoàn Kiếm rất phong phú với sự xuất hiện của 61 loài thuộc 4 ngành tảo: tảo Lam, tảo Lục, tảo Silic và tảo Mắt. Trong khu hệ tảo của hồ Hoàn Kiếm có những loài đặc hữu cần được bảo tồn lưu giữ, như một số loài thuộc chi Scenedesmus. Rùa hồ Hoàn Kiếm trong hồ là loài rùa mai mềm nước ngọt lớn và hiếm, được liệt kê ở cấp cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ của IUCN năm 2006.

“Cụ” rùa Hồ Gươm

Ngoài ra, hệ động, thực vật hồ Hoàn Kiếm gồm: Hệ thực vật bậc cao có 37 loài chủ yếu là tập đoàn cây cảnh, hoa, cây xanh bóng mát như: Tường vi, lộc vừng, trôm, liễu, đại phong tử, gạo, vông, tếch, phượng, si, sấu…Cá đã xác định được 24 loài thuộc 11 họ và 4 bộ; chim đã ghi nhận được 22 loài thuộc 14 họ và 4 bộ; động vật nổi gồm 20 loài (11 loài thuộc ngành chân khớp, 9 loài thuộc ngành giun tròn); động vật đáy đã xác định được 18 loài thuộc 12 họ và 8 bộ.

Hiện nay, hồ Hoàn Kiếm đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm, chất lượng nước hồ ngày một suy giảm, cụ thể pH luôn ở mức cao 9,4 – 10,5 (số liệu quan trắc 2008 – 2010, 2011), hàm lượng các chất dinh dưỡng trong nước (NH4, TN, TP, COD) luôn ở mức dư thừa, thể hiện hồ ở tình trạng phú dưỡng. Sự phú dưỡng của hồ chính là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển ưu thế của chi tảo Lam sinh độc tố Microcystis (kèm theo sự suy giảm độđa dạng loài). Sự xuất hiện thường xuyên và dày đặc của các loài tảo mà chủ yếu là tảo Lam độc thuộc chi Microcystis, là mối đe dọa với hệ sinh thái hồ (Rùa hồ Hoàn Kiếm cũng chịu tác động này). Hiện tượng tảo nở hoa dẫn đến sự suy giảm ôxy nghiêm trọng, sự tăng pH và hiện tượng cá chết năm 2008.

Phân tích các chỉ số hóa – lý và sinh học của hồ Hoàn Kiếm (Viện Công nghệ Môi trường và Khoa Hóa – ĐH Khoa học Tự nhiên thực hiện trong khuôn khổ Dự án hợp tác theo Nghị định thư 1/2008-6/2010) cho thấy, hồ Hoàn Kiếm không những ở trạng thái siêu phú dưỡng mà bước sang giai đoạn cao nhất của sự phát triển này, nếu không sớm khắc phục thì hệ sinh thái sẽ bị diệt vong. Muốn khắc phục hiện tượng này, lượng chất dinh dưỡng trong hồ cần phải được cắt giảm kể cả nguồn ngoại cung cấp và nguồn dinh dưỡng nội tại.

Các yếu tố môi trường tác động càng làm cho mật độ thực vật phù du có xu hướng tăng dần kéo theo hàm lượng ôxy hòa tan giảm đột ngột vào từng thời điểm khác nhau, ảnh hưởng đến sự tồn tại của nhiều động, thực vật trong hồ. Những năm trước đây, người dân còn vợt tôm, câu cá quanh hồ, nhưng hiện nay số lượng tôm cá còn rất ít. Tháng 3/2008 đã có hơn 3 tạ cá chết nổi lên mặt hồ. Ngày 3/4/2011, đội lai dắt rùa đã kéo lưới gần một ngày nhưng không bắt được con cá nào. Kết quả nghiên cứu của Viện Công nghệ Môi trường và Viện Sinh thái Tài nguyên sinh vật (2010) cho thấy mật độ động vật đáy của hồ Hoàn Kiếm thấp và có xu hướng giảm.

Tình trạng ô nhiễm đã tác động đến các loài sinh vật sống trong thủy vực, trong đó có Rùa hồ Hoàn Kiếm. Các loài sinh vật làm thức ăn cho Rùa, nhất là cá (thức ăn chính của Rùa) đã bị suy giảm nhiều dẫn đến tình trạng thiếu thức ăn. Hơn nữa Rùa hồ Hoàn Kiếm có kích thước cơ thể lớn, nhiều tuổi, di chuyển chậm nên khả năng tự kiếm mồi trong một môi trường nghèo dinh dưỡng là rất khó khăn. Do vậy, biện pháp cần thiết là phải cung cấp thức ăn tươi sống sẵn có trong hồ để rùa dễ dàng kiếm mồi.

Để thực hiện mục tiêu bảo vệ và bảo tồn, công tác điều tra, nghiên cứu khoa học về nguồn lợi thủy sản, đa dạng hệ sinh thái thuỷ sinh, nghiên cứu sâu về Rùa hồ Hoàn Kiếm, ngày 30/12/2013 UBND Thành phố Hà Nội có Quyết định số 70/2013/QĐ-UBND về việc Ban hành Quy định về phân công trách nhiệm và cơ chế phối hợp quản lý hồ Hoàn Kiếm, trong đó giao trách nhiệm cho Sở NN&PTNT: Xây dựng kế hoạch quản lý tài nguyên thủy sản trong khu vực hồ, định kỳ phân tích mẫu nước, xử lý môi trường, đánh giá bảo tồn nguồn lợi thủy sản, đảm bảo thức ăn cho Rùa hồ Hoàn Kiếm; Đánh giá, nghiên cứu, phân tích tác hại của các loài thủy sản có tiêu cực tới hệ sinh thái hồ Hoàn kiếm. Tổ chức các hoạt động bảo tồn các loài thủy sản, giống loài sinh vật bản địa, nguồn gen và một số hệ sinh thái tại khu vực hồ Hoàn Kiếm để đảm bảo sự phát triển hệ sinh thái hồ Hoàn Kiếm; Phối hợp với Sở TN&MT trong việc đánh giá ảnh hưởng chất lượng nước hồ Hoàn Kiếm tới các loài thủy sản trong hồ.

Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT bắt đầu xây dựng đề án quy hoạch vùng bảo vệ, bảo tồn sinh thái để khuyến khích các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là nâng cao nhận thức cho cộng đồng về chức năng, giá trị của hệ sinh thái hồ Hoàn Kiếm và bảo tồn loài rùa quý, hiếm.

>> Hồ Hoàn Kiếm có diện tích 10,6 ha, chiều rộng trung bình 200 m, chiều dài 600 m, độ sâu trung bình 1,5 -2,0 m. Hồ do UBND Quận Hoàn Kiếm quản lý và khai thác. Với chiều sâu hiện tại thì lượng nước có trong hồ khoảng 160.000 – 200.000 m3, là một hồ rất nông, sâu nhất là 2m, trung bình là 1m, phần lớn diện tích ven bờ chỉ có độ sâu 0,5 m, thậm chí còn nông hơn.

ThS. Phan Văn Tá

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!