Mùa mưa bão đang đến gần, việc chủ động triển khai các phương án để đảm bảo an toàn về người và tàu cá hoạt động trên biển là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác PCBL.
Theo ông Trần Xuân Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hàng năm, vào mùa mưa bão, tai nạn tàu cá hoạt động trên biển gia tăng. Nguyên nhân vẫn do sự chủ quan của ngư dân. Một số tàu không trang bị máy thông tin liên lạc, phao cứu sinh và bất chấp cảnh báo thời tiết nguy hiểm vẫn cho tàu ra khơi đánh bắt hải sản. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá chưa đáp ứng yêu cầu. Trong đó, một số cửa lạch bị bồi lắng cạn nên việc ra vào của các tàu cá gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong mùa bão lụt. Trang thiết bị thông tin liên lạc của tàu cá còn thiếu và chưa đồng bộ… Để đảm bảo an toàn cho tàu cá hoạt động trên biển trong mùa mưa bão, ngành chuyên môn và các địa phương đã xây dựng các phương án chủ động đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên biển khi xẩy ra mưa bão.
Tàu thuyền neo đậu tránh bão tại cảng cá Thạch Kim (Lộc Hà) .
Với 18 km bờ biển, Cẩm Xuyên có 950 tàu cá các loại với gần 4.000 lao động trực tiếp làm việc trên biển. Trong đó, loại tàu thuyền nhỏ, chất lượng thấp chiếm tỷ lệ cao, nên nguy cơ xẩy ra tai nạn lớn, nhất là lúc có lốc tố. Mặt khác, ngư trường hoạt động của tàu cá vùng khơi, vùng lộng chạy dài từ Quảng Ninh đến Bình Thuận nên rất khó kiểm soát. “Từ kinh nghiệm thực tiễn, huyện đã có phương án cứu hộ, cứu nạn tại các địa phương để triển khai thực hiện tốt 4 tại chỗ. Thành lập nhiều tổ đội khai thác trên biển nhằm trao đổi thông tin về diễn biến thời tiết, ngư trường và hỗ trợ nhau khi xẩy ra tai nạn trên biển. Xác định các khu neo đậu, trú ẩn cho tàu cá vào bờ an toàn khi xẩy ra mưa bão…” – ông Nguyễn Đình Hải – Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho hay.
Nghi Xuân có 2 cửa lạch: Cửa Hội (Xuân Hội) và Đồng Kèn (Cương Gián). Riêng lạch Đồng Kèn vừa hẹp lại vừa lắng cạn nên khó khăn cho tàu thuyền trú ẩn khi xẩy ra mưa bão. Vì vậy, hầu hết tàu thuyền các xã bãi ngang ven biển khi có bão xẩy ra đều phải tập trung neo đậu tại các bến khác. Ông Lê Duy Việt – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết: Để đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên biển trong mùa mưa bão, huyện tiến hành khảo sát, đồng thời có phương án cho các tình huống từ bão cấp 8 đến cấp 12 để xác định vị trí, an toàn cho tàu cá neo đậu. Sẵn sàng huy động 27 phương tiện tại chỗ ở các xã để kịp thời ứng cứu khi xẩy ra tai nạn trên biển. Tuyên truyền bà con ngư dân phòng là chính, tìm nơi trú ẩn an toàn cho người và tài sản trên biển và trên sông trước khi bão, lụt xẩy ra.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hà Tĩnh, thông tin liên lạc có vai trò hết sức quan trọng cho an toàn tàu cá hoạt động trên biển, nhất là những ngày có bão xẩy ra. Do đó, tiểu ban an toàn nghề cá trên biển đã phân công người túc trực 24/24h để tiếp nhận thông tin kịp thời, chính xác, từ đó chỉ đạo ngư dân triển khai phương án phòng tránh bão một cách hiệu quả nhất. Hiện nay, đã trang bị 6 ICOM tại các địa phương, đơn vị và thiết bị kết nối vệ tinh thuộc dự án MOVIMAR cho 5 tàu cá xa bờ trên toàn tỉnh. Tại các địa phương trọng điểm, thành lập các đội tàu cứu hộ, cứu nạn. Trong đó, khu vực huyện Nghi Xuân sử dụng đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ với 20 tàu cá có công suất từ 90 CV/chiếc trở lên làm phương tiện cứu hộ, cứu nạn; các huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh mỗi huyện sử dụng 20 tàu cá có công suất từ 40-50 CV. Riêng tàu cá loại nhỏ tại 30 xã ven biển, mỗi xã thành lập 1 đội từ 25 – 30 người để tổ chức kéo tàu lên bờ khi có bão, áp thấp xẩy ra.