(TSVN) – Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh khuyến cáo, người nuôi cần hạn chế thả giống vào mùa Đông, chỉ tổ chức thả giống đối với các cơ sở đáp ứng đủ điều kiện, có thể chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho động vật thủy sản.
Thông tin từ Cục Thống kê Hà Tĩnh, sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh 11 tháng năm 2024 cơ bản ổn định và có mức tăng khá hơn so cùng kỳ (tăng 2.209 tấn so cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên năng lực sản xuất thủy sản trên địa bàn trong thời gian qua không có nhiều thay đổi tích cực.
Lũy kế 11 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng thủy sản của Hà Tĩnh ước đạt 55.770 tấn, bằng 104,12%, tăng 2.209 tấn so cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 39.397 tấn, bằng 104,53%, tăng 1.707 tấn; sản lượng nuôi trồng ước đạt 16.373 tấn, bằng 103,16%, tăng 502 tấn.
Duy trì mực nước khu vực lồng nuôi từ 2 – 3 m nhằm ổn định và tránh biến động đột ngột nhiệt độ nước nuôi. Ảnh: BHT
Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Trong tháng xảy ra dịch bệnh đốm trắng và vi bào tử trùng trên tôm tại 2 hộ nuôi của xã Thạch Sơn, Thạch Hà với diện tích 0,65 ha. Tính từ đầu năm đến nay: Bệnh đốm trắng trên tôm xảy ra với diện tích 17,10 ha tại 8 xã thuộc 5 huyện (Lộc Hà, Kỳ Anh, Thạch Hà, thị xã Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh). Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm xảy ra với diện tích 4,29 ha tại 4 xã thuộc 3 huyện (Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà). Bệnh vi bào tử trùng trên tôm xảy ra với diện tích 0,85 ha tại 2 xã thuộc 2 huyện (Kỳ Anh, Thạch Hà).
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh ở khu vực phía Bắc trong khoảng thời gian từ tháng 12/2024 đến tháng 02/2025, gây ra các đợt rét đậm, rét hại, làm giảm mạnh nhiệt độ từ đó ảnh hưởng đến sinh trưởng của thủy sản nuôi. Các đợt rét đậm, rét hại kéo dài có khả năng xảy ra, đặc biệt tại các khu vực vùng núi phía Bắc, kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá trong thời gian trên.
Để giảm thiểu ảnh hưởng của không khí lạnh và bảo vệ thủy sản nuôi trong mùa Đông; Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh khuyến cáo các hộ/cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện một số biện pháp sau:
Đối với thủy sản nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm: Có phương án thu hoạch trước khi bước vào đợt rét đậm, rét hại để hạn chế khi xuất hiện thời tiết cực đoan, đặc biệt là các loài thủy sản có khả năng chống chịu rét kém như cá rô phi, cá chim trắng, cá lóc, ba ba, cá chim vây vàng,…
Đối với thủy sản nuôi chưa đạt kích cỡ thương phẩm, đang nuôi:
Hạn chế các hoạt động gây sốc cho thủy sản nuôi như: Kéo lưới, vận chuyển,… để tránh làm yếu và giảm nguy cơ nhiễm bệnh cho các tác nhân cơ hội.
Duy trì mực nước ao/bể nuôi đảm bảo độ sâu 1,5 – 2 m, mực nước khu vực lồng nuôi từ 2 – 3 m nhằm ổn định và tránh biến động đột ngột nhiệt độ nước nuôi. Di chuyển lồng bè đến vực ít gió. Với các cơ sở nuôi tôm vụ đông, ngoài duy trì mực nước trong ao/bể phù hợp cần có các biện pháp chống rét như làm khung và che phủ bề mặt ao nuôi/bể nuôi đẻ bảo vệ đối tượng nuôi.
Đảm bảo cung cấp đầy đủ, sử dụng thức ăn có chất lượng cao, bổ sung vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho đối tượng nuôi. Tính toán lượng thức ăn phù hợp để tránh dư thừa gây ảnh hưởng đến chất lượng nước ao nuôi. Khi nhiệt độ ao xuống dưới 150C thì ngừng cho ăn, tranh thủ các thời điểm nắng ấm trong ngày để cho ăn.
Đối với ao/bể nuôi: Định kỳ dùng CaO bón xuống ao nuôi 2 – 3 kg/100 m2 nước hoặc một số hóa chất được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản theo liều lượng hướng dẫn của nhà sản xuất để khử trùng nước ao/bể nuôi, phòng bệnh cho động vật thủy sản nuôi. Đối với lồng nuôi: Treo túi vôi hoặc hóa chất khử trùng ở đầu dòng chảy để khử trùng nước, phòng bệnh cho động vật thủy sản nuôi.
Hạn chế thả giống vào mùa đông, chỉ tổ chức thả giống đối với các cơ sở đáp ứng đủ điều kiện, có thể chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho động vật thủy sản.
Thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, tình trạng sức khỏe của thủy sản nuôi và các yếu tố môi trường nhằm kịp thời phát hiện các hiện tượng bất thường của thời tiết để có biện pháp xử lý phù hợp.
Nguyễn Hằng