(TSVN) – Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh, địa phương này hiện có 2.201/2.809 tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định (đạt trên 78,36% kế hoạch), góp phần gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu u (EC) đối với Việt Nam.
Theo Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh thông tin, sau thời gian tập trung vào cuộc kiểm tra, kiểm soát, tỷ lệ cấp giấy phép khai thác của Hà Tĩnh đã cao hơn trung bình chung của cả nước (cả nước là hơn 50%).
Hà Tĩnh đã có 105/114 tàu cá (chiều dài từ 15 m trở lên) đang hoạt động khai thác thủy sản vùng khơi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), còn 9 tàu hiện hư hỏng không hoạt động khai thác hải sản trên biển và đã có cam kết sẽ lắp đặt thiết bị VMS trước khi hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, hiện Hà Tĩnh vẫn còn trên 1.200 tàu cá chưa thực hiện theo quy định của pháp luật. Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này là do ý thức chấp hành pháp luật của một số ngư dân chưa cao. Bên cạnh đó, số lượng tàu cá của Hà Tĩnh nhỏ, chủ yếu tập trung vùng bãi ngang, trong khi lực lượng chức năng mỏng, phương tiện hạn chế nên công tác tuần tra, kiểm soát còn khó khăn.
Ảnh minh họa
Theo số liệu 9 tháng đầu năm 2022 của tỉnh Hà Tĩnh, hiện địa phương này có 9.521 lượt tàu cá cập cảng và 9.561 lượt tàu cá rời cảng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng thủy sản qua cảng là 4.172 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021. Văn phòng IUU tại cảng đã thực hiện kiểm tra 9.521 lượt tàu cá (rời cảng 4.287 lượt, cập cảng 4.219), đạt tỷ lệ 45% – cao hơn so với yêu cầu tại Điều 7 Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT. Qua kiểm tra, việc ghi, nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác của ngư dân sau khi khai thác cũng dần được cải thiện hơn; đến nay, ngư dân đã ghi, nộp nhật ký khai thác khá kịp thời.
Để đẩy mạnh hơn nữa công tác tháo gỡ “án phạt” của EC, giữa tháng 9/2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chính thức phê duyệt Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đến năm 2025”. Căn cứ vào 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong đề án, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã xây dựng kế hoạch trước mắt và lâu dài nhằm chung tay cùng cả nước thành công tháo gỡ “thẻ vàng”.
Thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phối hợp với UBND các huyện, thị xã ven biển triển khai có hiệu quả các quy định liên quan tới theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá bao gồm các quy định về: đăng ký, cấp phép khai thác cho tàu cá (đảm bảo tất cả các tàu cá của địa phương phải được đăng ký, cấp giấy phép khai thác theo quy định và cập nhật đầy đủ vào cơ sở dữ liệu về đăng ký, cấp phép tàu cá của tỉnh, kết nối đồng bộ với cơ sở VNFISHBASE); vận hành và quản lý tốt thiết bị giám sát hành trình; trách nhiệm của thuyền trưởng tàu khai thác từ vùng lộng trở ra phải cập cảng chỉ định; lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU để theo dõi thường xuyên…”.
Cùng với đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng địa phương này tập trung chỉ đạo các đồn, trạm biên phòng kiên quyết không cho tàu cá xuất bến khi không đủ các thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị theo quy định; xử lý nghiêm tàu giã cào vi phạm vùng biển khai thác, các hoạt động khai thác bằng chất nổ, xung điện tại vùng biển ven bờ; kiên quyết xử phạt các hành vi khai thác IUU theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ; đặc biệt, không để tàu cá địa phương vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá, Ban quản lý các cảng cá tỉnh tăng cường công tác giám sát sản lượng, thu, nộp nhật ký khai thác, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, phải đảm bảo duy trì vệ sinh sạch sẽ, nước rửa sản phẩm khai thác phải là nước sạch nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm; sản phẩm khai thác lên bến và hàng hóa tập kết xuống tàu phải được sắp xếp gọn gàng.
Minh Hiếu