Quyết định phê duyệt “Quy hoạch Nuôi trồng Thủy sản Nước ngọt tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2012 – 2015, định hướng 2020” vừa được UBND tỉnh ban hành nhằm khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế diện tích đất, mặt nước, ruộng trũng để phát triển NTTS nước ngọt, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn; tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân và xây dựng nông thôn mới.
Quy hoạch đồng thời hướng tới việc hiện đại hoá nghề NTTS, ứng dụng KHCN mới trong NTTS và chế biến, đa dạng hoá các loài nuôi nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị sản xuất hàng hoá; xây dựng các vùng nguyên liệu ổn định phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, tạo đột phá về phát triển NTTS nước ngọt nói riêng và NTTS nói chung của tỉnh.
Mô hình nuôi cá Diêu Hồng thương phẩm trong ao đất ở xã Đức Lạng (Đức Thọ) cho hiệu quả khá
Từ các mục tiêu chung đó, quy hoạch phấn đấu đến năm 2015 đưa diện tích NTTS nước ngọt toàn tỉnh đạt 5.919 ha và tăng lên 6.251 ha vào năm 2020; tổng sản lượng đến năm 2015 đạt 13.621 tấn và tăng lên 18.405 tấn vào năm 2020; giá trị đến năm 2015 đạt 842,19 tỷ đồng (giá trị xuất khẩu 2 triệu USD) và đến năm 2020 đạt 1.539,18 tỷ đồng (giá trị xuất khẩu 5,62 triệu USD).
Quy hoạch dự kiến nguồn vốn đầu tư từ nay đến năm 2015 khoảng 924 tỷ đồng, trong đó khoảng 90% vốn từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước.
Để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân được giao đất, thuê đất theo đúng quy định của pháp luật để NTTS theo quy hoạch đã được phê duyệt; duy trì và nâng cấp các trại giống hiện có, xây dựng thêm một trại giống cấp 1, đồng thời phát triển mạng lưới giống nhân dân, khuyến khích hình thức ương dưỡng cá giống hộ gia đình, tạo nguồn cung cấp tại chỗ cho các địa phương nhằm đáp ứng 100% nhu cầu giống cho người nuôi; khuyến khích phát triển hình thức nuôi theo tổ hợp, hợp tác xã, doanh nghiệp, liên doanh, liên kết để có điều kiện sản xuất tập trung, tạo mối liên kết hữu cơ chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…