Đây là thời điểm 3 ao nuôi tôm càng xanh của gia đình anh Lê Công Tuấn (thôn Xuân Lâu, xã Cẩm Thạch, Cẩm Xuyên) cho thu hoạch. Trong lúc chờ thương lái đến thu mua, anh Tuấn thuê nhân công kéo lưới đưa tôm lên bể lắng. Nhìn những con tôm to khỏe, trọng […]
Đây là thời điểm 3 ao nuôi tôm càng xanh của gia đình anh Lê Công Tuấn (thôn Xuân Lâu, xã Cẩm Thạch, Cẩm Xuyên) cho thu hoạch. Trong lúc chờ thương lái đến thu mua, anh Tuấn thuê nhân công kéo lưới đưa tôm lên bể lắng. Nhìn những con tôm to khỏe, trọng lượng đạt từ 10 – 12 con/kg, có thể thấy tôm càng xanh rất phù hợp với nguồn nước, thổ nhưỡng cũng như điều kiện khí hậu nơi đây.
Anh Lê Công Tuấn ở xã Cẩm Thạch triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh từ năm 2020 đến nay.
Anh Lê Công Tuấn chia sẻ: “Trang trại của tôi nằm gần hồ chứa nước Bộc Nguyên nên thuận lợi có nguồn nước sạch để nuôi tôm càng xanh. Trước khi triển khai mô hình này, tôi đã nuôi nhiều loại cá tự nhiên như: cá mè, cá trắm… nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Tuy nhiên, từ khi chuyển đổi sang nuôi tôm càng xanh, giá trị kinh tế tăng lên đáng kể”.
Được biết, trang trại của gia đình anh Lê Công Tuấn có diện tích 4 ha keo và hơn 6.000 m2 ao hồ mặt nước. Năm 2020, sau một chuyến ra Bắc (Thanh Hóa) tham quan mô hình, anh Tuấn đã về mạnh dạn vay vốn, cải tạo ao hồ để nuôi tôm càng xanh. Ban đầu, anh Tuấn chỉ nuôi 1 hồ với diện tích 1.500 m2. Tuy nhiên, sau khi thấy hiệu quả, anh tiếp tục nhân rộng mô hình. Đến nay, gia đình anh Lê Công Tuấn sở hữu 3 hồ nuôi tôm càng xanh với diện tích 4.500 m2.
So với nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh dễ nuôi và sống khỏe, thích nghi cao trong môi trường tự nhiên nên ít xảy ra dịch bệnh, tỉ lệ rủi ro thấp. Nguồn vốn đầu tư để nuôi tôm càng xanh cũng không quá cao, kỹ thuật nuôi cũng đơn giản. Để giảm thiểu chi phí đầu tư, anh Tuấn lựa chọn phương thức nuôi hữu cơ, tận dụng tối đa nguồn thức ăn sẵn có trong nguồn nước, bổ sung thêm thức ăn tươi đánh bắt tự nhiên.
“Mỗi vụ, tôi thả nuôi 10 vạn giống tôm càng xanh. Sau 6 tháng nuôi, tôm càng xanh cho thu hoạch. Thời điểm này, tôm loại 10 – 12 con/kg được mua với giá 350.000 đồng; loại 15 – 17 con/kg là 300.000 đồng/kg. Hiện nay, trang trại đã có thương hiệu nên các nhà hàng tìm đến tận nơi thu mua, chúng tôi không lo về đầu ra của sản phẩm. Với 3 ao nuôi, vụ thu hoạch này, tôi dự kiến thu về khoảng 1,5 tấn tôm, doanh thu đạt trên 450 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi gần 300 triệu đồng” – anh Lê Công Tuấn cho hay.
Không chỉ thành công với mô hình nuôi tôm càng xanh, năm 2024, anh Lê Công Tuấn còn mạnh dạn thử nghiệm mô hình nuôi chạch rú xen kẽ với cá diêu hồng. Với ao nuôi rộng hơn 2.000 m2, anh thả nuôi 1.000 con chạch rú và 2.000 con cá diêu hồng. Thời điểm này, cá diêu hồng bắt đầu cho thu hoạch với giá bán 60.000 đồng/kg; chạch rú đang trong giai đoạn phát triển mạnh, dự kiến tết Nguyên đán 2025 sẽ cho thu hoạch.
Tận dụng mọi diện tích sẵn có, ở mặt trên của ao nuôi, anh Tuấn còn thả nuôi 2.500 con vịt đẻ. Bình quân mỗi ngày, đàn vịt cho thu hoạch hơn 2.000 quả trứng, cho doanh thu 5.000.000 đồng. Đây là nguồn thu nhập hằng ngày để giúp anh Tuấn trang trải, xoay vòng chi phí mua thức ăn cho tôm càng xanh và các loại cá. Cộng với 4 ha rừng keo, bình quân mỗi năm, trang trại tổng hợp của gia đình anh Lê Công Tuấn cho doanh thu khoảng 1,2 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, trang trại mang lại cho gia đình anh Tuấn lợi nhuận từ 400 – 500 triệu đồng mỗi năm.
Ông Trần Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thạch cho biết: “Mô hình nuôi tôm càng xanh của gia đình anh Lê Công Tuấn là mô hình điểm đầu tiên trên địa bàn. Mô hình đang tạo việc làm cho nhiều lao động thời vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nuôi tôm càng xanh có ưu điểm là không phụ thuộc nhiều vào thức ăn công nghiệp vì có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như cá tạp để bổ sung. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ tôm càng xanh trên thị trường rất lớn, giá bán cũng khá cao. Vì vậy, thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, định hướng để người dân có ao hồ phù hợp triển khai mô hình; qua đó mở ra hướng đi mới, đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt”.
Với tinh thần dám nghĩ dám làm, anh Lê Công Tuấn đã “hồi sinh” những ao nuôi tự nhiên, mạnh dạn triển khai mô hình mới để nâng cao hiệu quả kinh tế. Thành công mô hình nuôi tôm càng xanh của anh Lê Công Tuấn càng thôi thúc người dân huyện Cẩm Xuyên phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Nguồn: Báo Hà Tĩnh