Hà Tĩnh: Những mô hình thủy sản thu lợi nhuận lớn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Việc đưa các mô hình mới, ứng dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất đã được chính quyền địa phương, doanh nghiệp, người dân Hà Tĩnh quan tâm bởi những hiệu quả đem lại.

Nuôi hàu tự nhiên 

Mô hình nuôi hàu tự nhiên không cần giống, không cần cho ăn của ông Nguyễn Văn Việt – Giám đốc HTX Nuôi trồng Thủy sản Việt Hồng (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) có thể thu lãi tiền tỷ sau mỗi vụ nuôi.

Nuôi hàu treo giàn tiết kiệm chi phí mua giống, không cần cho ăn.

Những ngày này, thủy triều xuống thấp, gió nhỏ, sản phẩm đến độ thu hoạch… nên HTX Nuôi trồng thủy sản Việt Hồng ở thôn Mai Lâm (xã Mai Phụ) huy động tối đa công nhân thu hoạch hàu thương phẩm tự nhiên (hàu đá) ở khu vực bãi bồi Cửa Sót. Mỗi ngày, HTX có thể xuất bán được 3 tấn hàu với mức giá 7.000/kg, thu về 21 triệu đồng. Sau 1 tuần xuất bán, HTX đã xuất bán ra thị trường 25 tấn hàu thương phẩm được nuôi theo phương thức hoàn toàn tự nhiên (không cấy giống, không cho ăn, không dùng chất kích thích, không sơ chế và bảo quản), tươi ngon, ruột chắc. Hiện, bãi nuôi còn khoảng 24.000 tấn, có thể bán từ nay đến hết tháng 6 âm lịch, thu về hơn 1,5 tỷ đồng.

Năm 2023, ông Việt bắt đầu triển khai mô hình. Triển khai mô hình, ông Việt đã đầu tư 650 triệu đồng mua tre, dây cột và thuê người làm các chuỗi giá thể. Sau 1 năm, những chuỗi giá thể treo đầu tiên đã cho thu hoạch, sản lượng tốt, sản phẩm chất lượng, dễ tiêu thụ… nên ông đang gấp rút mở rộng diện tích nuôi. Đến thời điểm này, ông đã có giàn nuôi hàu kiên cố với diện tích hơn 2,5 ha. Phấn đấu đến năm 2025, ông Việt sẽ có 5 ha nuôi hàu tự nhiên bao quanh hết diện tích bãi nuôi ngao của mình. 

Theo ông Việt, cách nuôi này không cần nhiều chi phí vì không phải mua giống, không cần cho ăn, chỉ cần tiền nhân công và chi phí giàn treo nên cho lợi nhuận cao (400 – 500 triệu đồng/ha). Ngoài thu hoạch trên giá thể, mô hình còn thu sản phẩm dưới đáy bãi bồi do hàu sẽ tự đến ở với mật độ dày, con lớn.

Nuôi tôm công nghệ cao ít dịch bệnh, năng suất cao. Ảnh: ST

Ngoài việc giúp HTX phát triển sản xuất, mô hình này còn góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng, hỗ trợ các hộ nuôi khác có hướng đi mới để nâng cao hiệu quả sử dụng đất bãi bồi vùng mặn lợ.

Nuôi tôm công nghệ cao

Hà Tĩnh đã có một số vùng nuôi đáp ứng cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ để sản xuất thâm canh, công nghệ cao như: xã Cẩm Hòa, Cẩm Dương (huyện Cẩm Xuyên); Mai Phụ, Hộ Độ (huyện Lộc Hà); Xuân Phổ, Đan Trường, Xuân Liên (huyện Nghi Xuân); Kỳ Hải (huyện Kỳ Anh)… Cùng với đó, nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư hạ tầng, các dự án nuôi tôm thâm canh ao đất, bãi triều (năng suất 8 – 10 tấn/ha/vụ); nuôi công nghệ cao trên cát (năng suất 15 – 20 tấn/ha/vụ). Đến nay, tỉnh có trên 40 cơ sở nuôi có bể ương gièo (có mái che) với số lượng 320 bể, thể tích trên 90.000 m3 đáp ứng điều kiện cho nuôi tôm thâm canh. Người dân ở Hà Tĩnh mạnh dạn chuyển hướng nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao.

Điển hình như Công ty CP Thủy sản Long Vân (xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà) đầu tư gần chục tỷ đồng để xây dựng ao nuôi, hệ thống thoát thải, cấp nước. Đặc biệt, ao nuôi được sử dụng công nghệ lọc nước tuần hoàn, là một trong những công nghệ hiện đại hàng đầu tại Việt Nam về nuôi tôm công nghệ cao, cho phép nuôi nhiều vụ trong năm (2 – 3 vụ) với mật độ thả nuôi cao. Hiện nay, công ty thả giống được 6 hồ nuôi khép kín trong nhà với diện tích 6.000 m2, có hệ thống xử lý nước cấp, nước thải đạt chuẩn, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Trước đây, nuôi tôm thâm canh công nghệ cao chỉ áp dụng tại các vùng nuôi trên cát, có điều kiện thuận lợi như: huyện Cẩm Xuyên, Nghi Xuân… Hiện nay, cả ở những vùng nuôi bằng ao đất, các chủ ao đầm ở xã Mai Phụ, Hộ Độ (huyện Lộc Hà); xã Kỳ Thư, Kỳ Hải (huyện Kỳ Anh); Kỳ Hà, Kỳ Trinh, Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh)… cũng chú trọng áp dụng, triển khai các công nghệ mới để tăng cao hiệu quả cho nuôi tôm.

Theo người nuôi tôm ở xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà cho biết, trước đây nuôi trong ao đất giá trị kinh tế không cao, nuôi thường xuyên bị tác động bởi môi trường, dịch bệnh. Với hệ thống hạ tầng ao nuôi như hiện nay, người nuôi dễ quản lý các yếu tố môi trường, tôm ít dịch bệnh hơn, có thể đưa năng suất tăng 20 – 30% so với trước.

Theo Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, toàn tỉnh đã có trên 620 ha nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao. Nhiều quy trình, công nghệ mới đã được áp dụng thành công mang lại hiệu quả trên địa bàn như: quy trình Biofloc, quy trình nuôi 2 – 3 giai đoạn, nuôi tuần hoàn nước,… góp phần giải quyết được vấn đề môi trường, dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao sản lượng, hiệu quả kinh tế.

Hải Đường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!