(TSVN) – Trong những năm gần đây, mô hình nuôi lươn không bùn đang dần trở thành hướng đi mới đầy triển vọng cho người dân tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh. Với ưu điểm dễ quản lý, ít dịch bệnh, cho hiệu quả kinh tế cao, mô hình này đang được nhân rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông hộ và đa dạng hóa sản phẩm thủy sản của tỉnh.
Mạnh dạn thay đổi hình thức nuôi mới
Lươn là loại thủy sản có giá trị cao về mặt dinh dưỡng, được thị trường rất ưa chuộng. Khác với trước đây, khi nuôi lươn chủ yếu là nuôi trong bùn, nhiều rủi ro và hiệu quả kinh tế không cao, thì hiện nay lươn đã được nuôi không cần bùn dưới nhiều hình thức như: nuôi trong bể xi măng, bể compozit hay trong bể lót bạt…
Đặc biệt, khi nuôi lươn, người nuôi có thể tận dụng được diện tích ở quy mô nông hộ để phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập. Tại Hà Tĩnh, mô hình nuôi lươn không bùn là một hướng đi mới, đã được nhiều người dân mạnh dạn đầu tư nuôi và cho những kết quả tích cực, mang đến nguồn lợi nhuận cao cho người chăn nuôi. Với những ưu thế đó, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, nhiều hộ gia đình đã đầu tư nuôi lươn không bùn và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Cơ sở nuôi lươn của anh Trần Xuân Trường ở thôn Đất Đỏ, xã Thường Nga (Can Lộc) là địa chỉ cung cấp lươn thịt, lươn giống được nhiều người biết đến
Anh Trần Xuân Trường, thôn Đất Đỏ, xã Thường Nga, huyện Can Lộc là một trong những người tiên phong áp dụng mô hình nuôi lươn không bùn thành công. Trong khoảng thời gian đi làm ăn xa quê, chứng kiến nhiều mô hình nuôi lươn không bùn đem lại hiệu quả kinh tế cao ở các tỉnh miền Nam. Năm 2018, anh Trường quyết định trở về quê, đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng bể xi măng nuôi lươn. Đến nay, anh trường đang sở hữu 25 bể nuôi lươn, trong đó có 12 bể lươn sinh sản với diện tích 15m2 /bể, 10 bể nuôi lươn thịt và 3 bể dùng để ươm lươn giống với diện tích 5m2/bể.
Anh Trường cho biết, ban đầu anh mua lươn đồng về để thuần nuôi, nhưng hiệu quả không cao. Từ đó, anh tìm hiểu và chọn mua giống lươn được sản xuất nhân tạo ở nơi khác về nuôi, nhờ có cách chăm sóc khoa học, đúng quy trình nên mô hình nuôi lươn không bùn của anh đã ổn định, phát triển tốt và cho thu nhập cao. Mỗi năm, anh cung cấp ra thị trường khoảng 30 vạn con giống, hơn 2 tấn lươn thương phẩm, đem lại thu nhập từ 500-600 triệu đồng.
Theo anh Trường, để lươn sinh trưởng, phát triển tốt, trước tiên khi làm bể nuôi phải đảm bảo yếu tố thoáng mát. Lươn khá mẫn cảm với môi trường nước trong bể, vì vậy mỗi ngày dành thời gian 2 lần để thay nước trước khi cho lươn ăn nên nước nuôi luôn luôn đảm bảo sạch giúp lươn phát triển khỏe mạnh; trên mặt nước phải rải nhiều sợi nilon làm giá thể để lươn trú ngụ.
Hình thức nuôi lươn không bùn đã đem lại thu nhập cao cho nhiều người dân tại Hà Tĩnh.
Ngoài ra, trong quá trình nuôi, anh đã tự chế ra loại thuốc điều trị bệnh đường ruột cho lươn bằng thảo mộc nên hết sức an toàn cho lươn, định kỳ trộn men tiêu hóa, vitamin C vào thức ăn để tăng cường thêm sức đề kháng, giảm stress cho lươn. Hiện nay, cơ sở của anh Trường là địa chỉ vừa cung cấp lươn thịt chất lượng vừa cung cấp con giống và tư vấn miễn phí về cách làm bể, kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc lươn cho các cơ sở nuôi lươn trong toàn tỉnh.
Hướng đi mới hiệu quả, bền vững
Mặc dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng mô hình nuôi lươn không bùn của anh Nguyễn Quốc Hữu trú tại thôn 10, xã Cẩm Quang, Cẩm Xuyên cũng đang phát triển rất tốt, hứa hẹn mang lại hiệu kinh tế cao.
Anh Hữu cho biết, anh từng có nhiều năm làm nghề xây dựng nhưng công việc không ổn định. Sau quá trình tìm hiểu anh Hữu nhận thấy, lươn là đối tượng đặc sản nước ngọt có giá trị dinh dưỡng cao, được nhiều người nuôi thành công, thị trường đầu ra đang thuận lợi. Cuối năm 2024, tanh đã tận dụng nhà xưởng 300m2 bỏ trống của gia đình, chi hơn 1 tỷ đồng đầu tư xây dựng 25 bể composite diện tích 6m2/bể, 3 bể lọc nước cùng dụng cụ nuôi, thức ăn và thả nuôi hơn 10 vạn con giống. Đến nay, đã gần 5 tháng, lươn đã đạt kích cỡ 100-110 con/kg, tỷ lệ sống đạt trên 95%. Dự kiến đến thời điểm thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 15-17 tấn, đem doanh thu gần 2 tỷ đồng.
Cũng theo anh Hữu, mô hình nuôi lươn không bùn có đặc thù không cần quá nhiều công chăm sóc, không tốn nhiều diện tích. Ngoài các phần việc hằng ngày, anh Hữu còn có thể tranh thủ các công việc thời vụ khác nhằm nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, giá lươn thương phẩm thường xuyên duy trì ở ngưỡng ổn định (từ 120.000 – 140.000 đồng/kg), nhiều đơn vị kết nối tiêu thụ nên không cần lo lắng về đầu ra. Anh đang dự kiến tiếp tục đầu tư thêm máy móc, thuê nhân công để nhân rộng mô hình, phát triển kinh tế.
Nhiều người dân rất quan tâm và đã đến các cơ sở nuôi lươn thành công tham quan học tập kinh nghiệm để nhân rộng.
Có thể thấy, nuôi lươn không bùn là một giải pháp hiệu quả để thay thế phương thức nuôi truyền thống do vốn đầu tư ít, tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi, dễ kiểm soát được dịch bệnh, lại phù hợp điều kiện nuôi tại nhiều địa bàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một vụ nuôi kéo dài khoảng 6 – 7 tháng, mỗi kg lươn thương phẩm bán ra với giá từ 110.000 – 150.000 đồng, cho lợi nhuận khá cao so với nhiều loại thủy sản khác.Cách làm này cũng đang được lan rộng tại các huyện như: Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, thành phố Hà Tĩnh,… nơi có điều kiện khí hậu và nguồn nước phù hợp. Đến nay, tại Hà Tĩnh đã phát triển trên 30 cơ sở nuôi lươn không bùn. Điều đáng nói, hiện có nhiều hộ dân đã mạnh dạn xây dựng trang trại nuôi lươn an toàn thực phẩm, liên kết thành tổ hợp tác, chia sẻ con giống, kỹ thuật và đầu ra, hình thành chuỗi sản xuất -tiêu thụ bước đầu ổn định.
Nhiều cơ sở đã đầu tư quy mô lớn để nuôi lươn không bùn tạo sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Cùng với đó, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh) đã phối hợp với các địa phương triển khai mô hình nuôi lươn không bùn đảm bảo an toàn thực phẩm. Thông qua đó, người đan được hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, tập huấn quy trình chăm sóc, xử lý nước, chọn giống chất lượng cao, tiến tới xây dựng sản phẩm an toàn.
Ông Trương Huy Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh cho biết: Thông qua việc xây dựng thành công mô hình “Nuôi lươn không bùn đảm bảo an toàn thực phẩm” đã giúp chuyển giao kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm trong bể lót bạt không sử dụng bùn, tạo sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường sinh thái và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, Trung tâm đang tiếp tục nhân rộng mô hình này trên địa bàn tỉnh.
Với tiềm năng lớn, chi phí đầu tư hợp lý và hiệu quả kinh tế khả quan, nuôi lươn không bùn đang mở ra một hướng đi mới cho người nông dân Hà Tĩnh, góp phần đa dạng hóa sinh kế và nâng cao thu nhập trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thị trường nông sản nhiều biến động như hiện nay. Tuy nhiên, theo khuyến cáo từ ngành chuyên môn, để mô hình phát triển bền vững, người nuôi cần đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, không lạm dụng kháng sinh, đồng thời chủ động liên kết với các doanh nghiệp, HTX để đảm bảo đầu ra ổn định.
Nguyễn Hoàn