(TSVN) – Mô hình được Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi thành phố Hà Tĩnh triển khai thành công tại xã Thạch Hưng (thành phố Hà Tĩnh), đem lại lợi nhuận 250 triệu đồng/ha.
Trước đây, người dân xã Thạch Hưng (thành phố Hà Tĩnh), người dân có tập quán nuôi xen ghép một số đối tượng như tôm, cua, cá chim vây vàng, cá chẽm… nhưng ở mức đầu tư thấp, thường xảy ra dịch bệnh, hiệu quả kinh tế không cao.
Nhằm hạn chế dịch bệnh, hạn chế sử dụng các loại thuốc kháng sinh, hóa chất, giảm chi phí đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tháng 4/2024, Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi thành phố Hà Tĩnh (Trung tâm) đã xây dựng mô hình nuôi xen ghép tôm sú, cua biển và cá đối mục trong ao tại hộ ông Trương Thế Cương (thôn Tiến Hưng, xã Thạch Hưng). Mô hình có quy mô 1ha, thả nuôi xen ghép gồm 5 vạn con tôm sú, 5.000 con cá đối mục và 5.000 con cua xanh.
Mô hình nuôi xen ghép nhiều loại thủy sản trong cùng một ao nuôi được nhiều địa phương nhân rộng Ảnh: TTKNQG
Ngay từ giai đoạn bắt đầu thả giống, mô hình áp dụng yêu cầu “4 định” về chế độ thức ăn đối với vật nuôi đó là định tính, định lượng, định vị trí và định thời gian nhằm quản lý thức ăn xuyên suốt trong quá trình nuôi một cách khoa học và hiệu quả. Ngoài ra còn bổ sung khoáng chất, dinh dưỡng, Vitamin C, tỏi tươi với liều lượng 5 – 10 g/kg thức ăn để giúp tôm, cua tăng sức đề kháng và tăng trưởng tốt. Đồng thời, quản lý môi trường ao nuôi, cải tạo đáy ao giúp vi sinh vật có lợi phát triển và ổn định các yếu tố môi trường.
Ông Cương cho biết, với mật độ giống thả giống đối với tôm sú là 10 con/m², cá đối mục 0,5 con/m², cua 0,5 con/m², sau thời gian gần 6 tháng, tỷ lệ sống của các loài đều cao (đạt trên 70%). Về trọng lượng, tôm sú đạt 25 – 35 con/kg, năng suất 1,4 tấn/ha; cá đối mục đạt 2,5 – 3 con/kg, năng suất 1,8 tấn/ha; cua biển đạt 2,5 – 3 con/kg, năng suất gần 500 kg/ha. Đến nay, mô hình đã cho thu hoạch, dự kiến với giá bán hiện tại, sau khi trừ chi phí sản xuất trực tiếp gần 500 triệu đồng/ha, mô hình cho lãi hơn 250 triệu đồng/ha.
Theo các chuyên gia, với phương thức nuôi ghép, việc kết hợp các đối tượng nuôi có đặc tính hỗ trợ lẫn nhau đã tận dụng hết thức ăn từ tầng mặt, tầng giữa đến tầng đáy, hạn chế sử dụng các loại thuốc xử lý môi trường. Đặc biệt, cá đối mục phân bố rộng rãi trong nhiều thủy vực, chủ yếu ăn thức ăn thừa của tôm và cua, ăn rong rêu và các loài sinh vật tầng đáy.
Qua đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm do nguồn thức ăn dư thừa dưới đáy ao, quản lý tốt và phục hồi môi trường các vùng nuôi thấp triều, thường xuyên bị dịch bệnh tấn công, nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng sản xuất bền vững. Một ưu điểm nữa của hình thức nuôi xen ghép là thời gian thu hoạch kéo dài từ 2 – 3 tháng, giúp người nuôi có thu nhập thường xuyên, ổn định.
Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi thành phố Hà Tĩnh đánh giá, mô hình cho hiệu quả kinh tế cao trên cùng một đơn vị diện tích. Chính vì vậy, để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, thời gian tới chính quyền địa phương sẽ quan tâm chỉ đạo, tuyên truyền và có kế hoạch cụ thể để nhân rộng những mô hình nuôi luân canh, xen ghép các đối tượng mới như cá đối mục, cá dìa, cua xanh với tôm để tạo sản phẩm nuôi đa dạng, có chất lượng và giá trị cao, được thị trường ưa chuộng.
Đây là mô hình mới theo hướng an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, góp phần đa dạng hóa các đối tượng nuôi, mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản ở TP Hà Tĩnh, tạo ra nhiều sản phẩm cho người tiêu dùng lựa chọn.
Ngọc Diệp