T6, 29/12/2023 03:11

Hà Tĩnh: Tín hiệu tích cực từ sản xuất thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Những năm gần đây kết quả sản xuất thủy sản của tỉnh Hà Tĩnh tương đối ổn định. Năm 2023, sản lượng khai thác và nuôi trồng đều tăng, tổng sản lượng thủy hải sản đạt 56.424 tấn, tăng 2,23% so năm trước.

Sản lượng nuôi tôm thẻ chân trắng tăng qua các năm. Ảnh: ST

Nuôi trồng thuận lợi

Nếu như năm 2022 đánh dấu sự tăng trưởng của sản lượng khai thác, thì năm 2023 là những tín hiệu tích cực từ nuôi trồng thủy sản. Trong năm qua, nhờ thời tiết thuận lợi, ít chịu ảnh hưởng của thiên tai cùng với việc áp dụng mô hình nuôi tôm công nghiệp, an toàn sinh học theo hướng tập trung và quy mô hàng hóa đã giúp nâng cao năng suất vụ nuôi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Cùng đó, mô hình này góp phần khai thác tốt tiềm năng diện tích, phát triển bền vững tại địa phương. Cơ cấu sản xuất được chuyển dịch theo chiều sâu tập trung phát triển các đối tượng có giá trị kinh tế cao. 

Theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Tĩnh, năm 2023, các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh sản xuất được 945 triệu con, giảm 2,88% (giảm 28 triệu con) so năm trước. Công tác quản lý, kiểm soát về điều kiện sản xuất, kiểm định chất lượng tôm giống được chú trọng nhằm đảm bảo được chất lượng giống, đáp ứng nhu cầu cung cấp ngày một tăng.

Công tác phòng, chống khai thác IUU luôn được ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh chú trọng. Ảnh: Thế Mạnh

Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 16.839 tấn, tăng 3,40% (tăng 554 tấn) so năm trước. Trong đó: Sản lượng nuôi cá đạt 7.326 tấn, tăng 1,54% (tăng 111 tấn); Tôm nuôi đạt 5.889 tấn, tăng 3,55% (tăng 202 tấn); Thủy sản khác đạt 3.624 tấn, tăng 7,12% (tăng 241 tấn) so năm trước. Mùa vụ nuôi trồng thủy sản chủ yếu tập trung ở quý II và III của năm, nhất là ở quý III sau khi thu hoạch chính, thì quý IV là giai đoạn thả giống. Vì vậy, tính riêng quý IV/2023, sản lượng nuôi trồng đạt 3.144 tấn, giảm 56,78% (giảm 4.129 tấn) so quý trước nhưng so cùng kỳ năm trước tăng 17,44%.

Để nâng cao hiệu quả nuôi trồng và đảm bảo an toàn trong sản xuất, trên địa bàn tiếp tục có nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư nhiều dự án, hạ tầng nuôi tôm thâm canh cho năng suất 10 – 15 tấn/ha/vụ trong ao đất và 20 – 30 tấn/ha/vụ trong ao nuôi công nghệ cao trên cát. Một số vùng được các nhà đầu tư nâng cấp nuôi theo hình thức công nghệ cao như ở: Mai Phụ, Hộ Độ (Lộc Hà), Kỳ Hải (Kỳ Anh)… Cùng với việc khắc phục các khó khăn về hạ tầng sản xuất, giá cả vật tư đầu vào, giá tôm thương phẩm có thời điểm xuống thấp, nguồn nước bị ô nhiễm…, người nuôi trồng trên địa bàn đã chú trọng ứng dụng tiến bộ KHKT, thực hiện nuôi theo hình thức 2 – 3 giai đoạn, lựa chọn nguồn giống tốt và kiểm soát tốt thức ăn, kháng sinh, khoáng, chất lượng nước, nhiệt độ để sản xuất đạt hiệu quả cao nhất.

Ngành thủy sản đã từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Đồng thời thu hút nhiều thành phần kinh tế xã hội tham gia bảo vệ và phát triển bền vững nguồn thủy hải sản, thích ứng với biến đổi khí hậu, sản lượng đối tượng chủ lực như tôm thẻ chân trắng đang có xu hướng tăng dần do nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng. 

Khai thác tăng

Sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 39.585 tấn, tăng 1,74% (tăng 677 tấn) so năm trước, chiếm đến 70,16% tổng sản lượng thủy sản năm 2023. Trong đó: Sản lượng khai thác biển ước đạt 34.935 tấn, tăng 2,25% (tăng 769 tấn) so năm trước. Thời tiết trên ngư trường khá thuận lợi để tàu thuyền tăng cường bám biển đánh bắt hải sản, đặc biệt là đội tàu đánh bắt xa bờ đạt sản lượng cao, đánh bắt được nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Sản lượng khai thác nội địa ước đạt 4.650 tấn, giảm 1,94% (giảm 92 tấn) so năm trước, sản lượng giảm do chủ yếu khai thác tôm, hến, trai, ốc… tự nhiên ở cửa sông, cửa lạch ngày càng có xu hướng giảm.

Sản lượng thủy sản khai thác thủy sản chủ yếu tập trung ở các quý I, II, III trong năm. Vào quý IV do thời tiết chuyển lạnh, mưa nhiều không thuận lợi cho việc ra khơi cộng với việc chất lượng thủy sản biển và nhu cầu của người dân giảm hơn nhiều ở các quý trước nên sản lượng khai thác chỉ ở mức cầm chừng. Tính riêng quý IV, sản lượng chỉ đạt 7.258 tấn, giảm 38,12% (giảm 4.472 tấn) so quý trước và giảm 2,12% so cùng kỳ năm trước.

Trong năm qua, công tác phòng, chống khai thác IUU được địa phương chú trọng. Nhờ đó, các vi phạm về khai thác IUU trên địa bàn đã giảm đáng kể so các năm trước đây. Toàn tỉnh hiện có 2.723 tàu cá đã được đăng ký, trong đó 2.532 tàu có giấy phép khai thác thủy sản còn hạn (92,98%); 199/496 tàu cá thuộc diện đăng kiểm (đạt 40,12%); 63/90 tàu cá đang hoạt động thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm trên tàu cá (67%); 100% tàu thực hiện việc đánh dấu tàu, kẻ vẽ biển số đúng quy định; có 90/90 tàu cá đang hoạt khai thác thủy sản vùng khơi đã lắp đặt thiết bị VMS đạt 100%; đã cập nhật 2.723 tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFISHBASE), đạt tỷ lệ 100%.

Đến nay, trên địa bàn không có tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, chưa phát hiện các đường dây, tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Nguyễn Hằng

Năm 2023, ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với các địa phương thúc đẩy sản xuất nuôi trồng thủy sản, trong đó tập trung tuyên truyền vận động người dân tích cực tham gia sản xuất, thả nuôi hết diện tích theo kế hoạch. Đồng thời, theo dõi, nắm chắc về tình hình, diễn biến thời tiết và thông tin về nguồn lợi thủy sản để khai thác có hiệu quả.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!