Hải Dương: Cá chết hàng loạt ở Tứ Kỳ

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhiều người nuôi cá ở huyện Tứ Kỳ đang lo lắng vì cá chết hàng loạt.

Gia đình chị Nguyễn Thị Gần ở thôn Ngọc Lâm (xã Tân Kỳ) có hơn 2 mẫu ao chủ yếu nuôi cá rô phi, cá chép. Thường sau mỗi lứa thu hoạch, chị thả 7.500 cá rô phi và 2.000 cá chép giống. Lứa này cá chết nhiều khiến chị gần như mất trắng. Chị Gần than thở: “Nhiều lần trước, cá bị bệnh thường có những triệu chứng dễ phát hiện nên tôi còn biết hướng để nhờ tư vấn và sử dụng thuốc. Lứa này rất khó nhận biết. Tối hôm trước tôi kiểm tra vẫn thấy cá khỏe mạnh, ăn đều nhưng đến hôm sau đã nổi trắng mặt ao. Cá chết tập trung trong 2 tháng 7 và 8 vừa qua. Hiện nay, dù ao đã được khử trùng và thay nước mới nhưng cá vẫn chết rải rác. Lượng cá rô phi trong ao coi như mất hết, cá chép cũng chỉ còn khoảng 50%”.

Nông dân xã Tân Kỳ thiệt hại nặng khi cá chết hàng loạt  

Dù đã có kinh nghiệm nuôi cá gần 20 năm nhưng gia đình ông Hậu ở thôn Nghi Khê (xã Tân Kỳ) cũng bị thiệt hại lớn khi cá chết nhiều. Ông Hậu có hơn 1 ha ao nuôi cá, chủ yếu là cá rô phi. Nhiều người dân quanh đây cũng nuôi giống cá này vì dễ nuôi, nhanh lớn, tiêu thụ thuận lợi. Thế nhưng năm nay cá rô phi lại khiến bà con lao đao. Gia đình ông Hậu thả hơn 9 tấn cá thì bị chết hơn một nửa. Có ngày ông phải chèo thuyền quanh ao, vớt hàng tạ cá chết mang chôn trong vườn. Ông lo lắng: “Cá chết nhiều nên mọi người bảo nhau mua thuốc về đánh nhưng vẫn không ăn thua. Khoản nợ vay để mở rộng quy mô nuôi thủy sản ngày một nhiều. Rô phi là loài ăn nổi nên khi gặp thời tiết nắng nóng kéo dài sau đó gặp mưa triền miên khiến sức đề kháng của cá giảm rồi chết dần chết mòn”.

Tiên Động là một trong những xã có diện tích nuôi thủy sản lớn của huyện Tứ Kỳ. Gia đình chị Bùi Thị Liên ở thôn Đoàn Khê cũng trong tình cảnh đứng ngồi không yên vì cá chết bất thường. Đưa chúng tôi ra xem khu nuôi thủy sản rộng hơn 1 ha, chị Liên thẫn thờ: “Mọi năm tôi thu lãi hơn 200 triệu đồng từ nuôi cá trên vùng chuyển đổi này. Năm nay lãi chưa thấy đâu nhưng tính ra đã lỗ gần 100 triệu đồng. Cá rô phi gần như mất trắng trong khi những loại khác như trôi, trắm, chép… cũng bị chết gần 40%. Sau vụ này cũng chẳng còn vốn mà gây lứa mới”.

Thời gian gần đây, tình trạng cá chết hàng loạt cũng xuất hiện ở nhiều xã khác như Quang Khải, Quang Phục… Theo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và  Phát triển nông thôn), nguyên nhân chính dẫn đến cá chết là do thời tiết thay đổi, nắng nóng kéo dài làm bùng phát dịch Streptococcus khiến nước ao bị nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, các hộ nuôi cá đều lấy nguồn nước từ sông, ngòi để thả cá. Theo phản ánh của người dân, chất lượng nước tại các sông đang bị ô nhiễm. Ngoài ra, người dân còn xây dựng trang trại nuôi lợn sát cạnh khu thả cá. Mặc dù đã sử dụng các bể bi-ô-ga nhưng vẫn có thể gây ô nhiễm nguồn nước.

Anh Nguyễn Hữu Học, Trưởng phòng Hỗ trợ nông dân của Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh cho biết: “Ngay khi có thông tin về việc cá chết hàng loạt ở các địa phương trong tỉnh mà đặc biệt là Tứ Kỳ, nơi tập trung nhiều hộ nuôi thủy sản, chúng tôi đã xuống giúp đỡ các hội viên trong câu lạc bộ nuôi thủy sản về mặt kỹ thuật và các biện pháp để khắc phục như lọc nước, tư vấn cách sử dụng thức ăn và thuốc, xử lý số cá đã chết… Cá chết do biến đổi thời tiết nên rất khó đưa ra phương án. Trong khi đó nhiều hộ dân sốt ruột, sự sử dụng nhiều loại thuốc càng khiến cho cá chết nhiều hơn. Đây là đợt thiệt hại lớn nhất của bà con nuôi thủy sản từ năm 2008 trở lại đây”.

Cá chết hàng loạt khiến người dân mất ăn, mất ngủ. Cơ quan chức năng cần khẩn trương hướng dẫn họ biện pháp khắc phục thiệt hại.

Nguyễn Mơ

Báo Hải Dương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!