(TSVN) – Những ngày qua, tại khu vực sông Thái Bình (xã Tiền Tiến, TP Hải Dương) xảy ra tình trạng cá lồng của hàng chục hộ dân bị chết hàng loạt, ứớc tính thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Nguyên nhân bước đầu được xác định là do cá bị thiếu ôxy.
Thông tin từ lãnh đạo UBND xã Tiền Tiến, vài ngày trở lại đây, cá nuôi lồng trên sông Thái Bình của hàng chục hộ dân trên địa bàn xã đã xảy ra tình trạng chết hàng loạt. Hầu hết số lượng cá chết đang trong thời gian chuẩn bị cho thu hoạch, gây thiệt hại nặng nề cho người dân.
Cá chết hàng loạt khiến người nuôi đang đứng trước nguy cơ mất trắng. Ảnh: BHD
“Đến thời điểm hiện tại, khoảng 3, 4 hộ dân nuôi cá lồng bị thiệt hại nặng, có hộ số lượng cá chết lên đến 60 tấn, còn lại các hộ khác cá bị chết khoảng vài tấn hoặc ít hơn. Số lượng cá chết của các hộ khoảng gần 200 tần, chủ yếu là cá chép giòn. Theo một số hộ nuôi, cá chép đang trong mùa sinh sản, thể trạng yếu nên bị chết nhiều. Cách đây ít ngày, đã có hộ bị cá chết nhưng không thông báo cho chính quyền địa phương và đến vài ngày sau lượng cá chết ở các hộ nhiều hơn”, lãnh đạo UBND xã Tiền Tiến chia sẻ thêm.
Sau gần 2 năm chăm sóc, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến thời điểm xuất bán cá ra thị trường tiêu thụ. Thế nhưng, cá chết hàng loạt khiến người nuôi đang đứng trước nguy cơ mất trắng. Tại các lồng nuôi, những con cá chép giòn nặng 5 – 7 kg chết nổi đầy mặt lồng nuôi. Tình trạng cá chết thường xuất hiện nhiều vào thời điểm giao mùa nhưng chưa năm nào các hộ nuôi cá lồng ở xã Tiền Tiến thấy cá chết nhiều như năm nay.
Chị Nguyễn Thị Huyền, khu dân cư Đồng Điền, xã Tiền Tiến có 15 lồng nuôi cá điêu hồng, trắm, chép. Cách đây gần 1 tuần, cá chết rải rác và từ ngày 30/3 đến nay lượng cá chết lên tới gần 20 tấn, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Chị Huyền cho biết: “Từ ngày gia đình nuôi cá, tình trạng này cũng đã xảy ra vào năm 2018. Thời điểm đó, khi cá bị yếu thì gia đình sử dụng máy bơm, sục khí đã giúp cá ổn định lại. Tuy nhiên, năm nay thì cá chết nhiều và kéo dài”.
Gia đình Ông Nguyễn Văn Tân đã nuôi cá lồng ở trên đoạn sông Thái Bình từ hàng chục năm nay. Ông Tân cho biết, năm nay là năm đầu tiên xuất hiện tình trạng tự nhiên cá trong lồng nổi lên mặt nước để ngớp nước. Sau thời gian một ngày cá trong lồng nuôi bỗng dưng chết nổi trắng lồng. Toàn bộ cá lồng chết đều bị tổn thương ở phần mang cá. 15 lồng cá của gia đình ông đều đã nuôi được hai năm, mỗi con cá chép, trắm nặng từ 5 – 8 kg/con. Ông Tân cho biết cá trong lồng gần như đều chết hết, số cá sống được còn lại không đáng kể. Gia đình ông phải huy động nhiều người trong gia đình vớt cá từ sáng đến tối vẫn không hết để đem đi tiêu hủy tránh ô nhiễm môi trường.
Trước tình trạng cá chết hàng loạt trên địa bàn, UBND xã Tiền Tiến đã cử cán bộ chuyên môn xuống kiểm tra tại các lồng nuôi cá. Ngoài ra, địa phương cũng đã báo cáo lên Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN&PTNT Hải Dương để cử cán bộ vào cuộc lấy mẫu nước, mẫu bệnh phẩm đem xét nghiệm nhằm sớm làm rõ nguyên nhân cá chết.
Theo đó, Phòng Thủy sản (Sở NN&PTNT Hải Dương) đã kiểm tra, bước đầu xác định nguyên nhân cá chết là do thiếu ôxy. Tuy nhiên, nguyên nhân nguồn nước thiếu ôxy do đâu hiện đang tiếp tục được xác minh, làm rõ. Phòng Thủy sản khuyến cáo năm nay thời điểm giao mùa kéo dài, các hộ nuôi cá lồng cần điều chỉnh biện pháp chăm sóc phù hợp để hạn chế tình trạng cá chết. Ngoài ra, người dân khi thu dọn cá chết phải mang đi chôn lấp, tuyệt đối không vứt cá ra sông tránh gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.
Xã Tiền Tiến hiện có 54 hộ làm nghề nuôi cá lồng trên sông Thái Bình với tổng số là 912 lồng. Theo lãnh đạo UBND xã Tiền Tiến, có khoảng 24 hộ nuôi cá lồng bị ảnh hưởng, thiệt hại khoảng 200 tấn cá các loại, chủ yếu là cá điêu hồng, cá trắm, cá chép giòn.
Thái Thuận