(TSVN) – Nuôi cá lồng mang lại nguồn thu nhập tốt cho người dân Hải Dương. Tuy nhiên, vào đầu tháng 4/2024, tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt khiến nhiều hộ nuôi điêu đứng. Với sự vào cuộc, hướng dẫn của cơ quan chức năng, chủ động của người dân, việc nuôi cá lồng đã dần ổn định.
Tăng hiệu quả
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Dương, nghề nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ năm 2010, thời điểm đó có 10 lồng nuôi, tổng thể tích 900 m3, sản lượng 50 tấn/năm.
Đến nay, Hải Dương có gần 8.000 lồng cá, giảm khoảng 170 lồng so với đầu năm 2024. Trong đó, huyện Nam Sách có trên 3.300 lồng, nhiều nhất tỉnh; TP Hải Dương khoảng 2.000 lồng, huyện Tứ Kỳ 800 lồng,…
Hải Dương có gần 8.000 lồng cá, từ đầu năm đến nay, tình hình nuôi thả của người dân ổn định. Ảnh: ST
Vật liệu làm lồng nuôi chủ yếu là khung tuýp sắt mạ kẽm với nhiều kích thước, bao quanh bằng lưới nilon, phao nổi là những thùng phuy nhựa. Các lồng được cố định bằng các trụ neo bê tông hoặc các mỏ neo đặt ở đầu dòng chảy,…
Các loại cá được nuôi trong lồng trên địa bàn Hải Dương gồm cá trắm, cá chép (chu kỳ nuôi từ 8 – 10 tháng), chiếm khoảng 55%; cá rô phi, cá điêu hồng (chu kỳ nuôi từ 6 – 8 tháng), chiếm khoảng 22%; cá nheo Mỹ, cá ngạnh (chu kỳ nuôi từ 15 – 18 tháng), chiếm khoảng 18% tổng số lồng nuôi trên địa bàn toàn tỉnh; còn lại 5% là các đối tượng nuôi khác.
Về thức ăn trong chăn nuôi, sử dụng chủ yếu là thức ăn công nghiệp và thức ăn tự chế. Ngoài ra, các hộ nông dân còn ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi, vì vậy cá sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao.
Sản xuất ổn định
Nuôi cá lồng mang lại nguồn thu nhập tốt cho người dân Hải Dương. Do đó, số lượng người nuôi cá lồng ngày càng nhiều, quy mô lồng nuôi được mở rộng. Tuy nhiên, đầu tháng 4/2024, tại một số địa phương như xã Tiền Tiến, phường Nam Đồng (TP Hải Dương), xã Nam Tân (Nam Sách),… xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt khiến nhiều hộ nuôi cá lồng điêu đứng. Theo kết quả kiểm tra, cá chết là do nồng độ ôxy hòa tan trong nước rất thấp, hàm lượng khí độc cao. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết thay đổi, mực nước sông xuống thấp. Khi phát hiện cá yếu, người dân không dùng ngay máy sục khí để tăng nồng độ ôxy hòa tan trong nước.
Để khắc phục tình trạng này, Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hải Dương đã hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp quản lý tốt cá nuôi lồng. Hằng tháng, chi cục phối hợp lấy mẫu nước ở khu vực nuôi thủy sản, trong đó có khu vực nuôi cá lồng để kiểm tra các chỉ số, giúp phát hiện sớm các yếu tố bất thường và đưa ra khuyến cáo hợp ký cho người nuôi.
Cùng với đó, Chi cục thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định về nuôi cá lồng; tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức cho các hộ nuôi,…
Đến nay, người nuôi cá lồng ở Hải Dương đã cơ bản tuân thủ các quy định về nuôi cá lồng. Áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế thấp nhất thiệt hại, bảo đảm việc nuôi cá hiệu quả. Đặc biệt, quan tâm nhiều hơn đến sự thay đổi thời tiết, nhất là vào thời điểm giao mùa, người nuôi chú trọng sục khí để tăng ôxy hòa tan trong nước, sử dụng chế phẩm diệt khuẩn BKC, Emzone, vôi bột để nước trong hơn, khử khuẩn. Ngoài ra, người nuôi cá lồng còn chủ động giảm mật độ nuôi nhằm tạo môi trường thông thoáng cho cá sinh sống.
Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, tình hình nuôi thả của người dân ổn định, chưa xuất hiện dịch bệnh hay cá bị chết do ô nhiễm môi trường, nguồn nước nuôi.
Thanh Hiếu