Hải Dương: Nâng giá trị vùng nuôi thủy sản tập trung

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hải Dương hiện có 214 vùng nuôi thủy sản tập trung, tổng diện tích 4.889 ha. Tuy nhiên, hạ tầng các vùng sản xuất còn khó khăn, đặc biệt là giao thông, điện, thủy lợi, cản trở việc sản xuất, lưu thông hàng hóa. Do đó, địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Phát triển ổn định

Hải Dương là địa phương có ngành thủy sản phát triển ổn định, năng suất và sản lượng tăng liên tục. Năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 12.455 ha (tăng 0,3% so năm 2022). Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 105.669 tấn (tăng 8% so năm 2022), giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và thủy sản đạt 198,6 triệu đồng/ha, vượt mục tiêu tỉnh đã đề ra. Sản phẩm đáp ứng thị trường trong tỉnh và một số địa phương lớn như TP Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng… 

Có được kết quả trên là do một số địa phương đã thực hiện chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Cùng đó, có tới 90% diện tích sản xuất thủy sản của địa phương được nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh. Các giống cá nuôi chủ lực như trắm, chép giòn, cá lăng, cá rô phi đơn tính… Các mô hình nuôi trong ao nổi, sông trong ao đã được ứng dụng và cho năng suất, sản lượng cao. Đây là hướng đi mới hiệu quả trong lĩnh vực thủy sản của tỉnh.

Đầu tư hạ tầng vùng nuôi thủy sản giúp tăng hiệu quả kinh tế. Ảnh: Quyết Thắng

Nhằm chủ động con giống, tỉnh Hải Dương cũng đã duy trì và phát triển nhiều cơ sở sản xuất giống nhân tạo có sản lượng lớn là: Công ty CP cá giống Ninh Giang, Hợp tác xã Thủy sản Dung Quất, Trung tâm Nghiên cứu và Nhân giống Thủy sản Tứ Kỳ, Công ty TNHH MTV Nguyễn Đức Chí, Hợp tác xã sản xuất và thương mại thủy sản Xuyên Việt, Hợp tác xã Thủy sản Duy Tuyền… Các cơ sở sở này tập trung ương dưỡng cá giống: trắm cỏ, cá chép, cá trôi, cá rô phi, cá rô đồng, cá trê, ếch… Tổng sản lượng giống thủy sản năm 2023 của tỉnh đạt 1.807 triệu con (tăng 11,8% so năm 2022).

Đầu tư hạ tầng

Hiện, có khoảng 75% sản lượng cá của tỉnh Hải Dương cung cấp ra thị trường được nuôi trong ao. Do đó, địa phương rất quan tâm đến việc phát triển các vùng nuôi tập trung và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thực tế cho thấy, thời gian qua, người nuôi đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, đưa máy móc tự động, bán tự động vào sản xuất. Nhờ đó, năng suất thủy sản tăng 1,2 – 1,5 lần so với phương thức nuôi truyền thống.

Hải Dương hiện có 214 vùng nuôi thủy sản tập trung với quy mô từ 5 ha trở lên, tổng diện tích 4.889 ha. Tuy nhiên, hạ tầng các vùng sản xuất còn khó khăn, đặc biệt là giao thông, điện, thủy lợi, cản trở việc sản xuất, lưu thông hàng hóa. Vì vậy, để giải quyết những khó khăn này, hỗ trợ cho các vùng nuôi thủy sản, trong giai đoạn 2021 – 2025, Sở NN&PTNT Hải Dương đã đề xuất 26 dự án nông nghiệp ở 9 huyện, thành phố và thị xã với tổng chi phí gần 609 tỷ đồng. Trong đó có 22 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật các vùng nuôi thủy sản với quy mô 1.384 ha. Các dự án này tập trung cải tạo nâng cấp, mở rộng các tuyến đường nội đồng, nạo vét lòng kênh dẫn nước, xây dựng cống điều tiết nước, xây mương tiêu thoát nước, tường kè chắn đất… 

Tại vùng nuôi thủy sản tập trung xã Tái Sơn (huyện Tứ Kỳ), để đáp ứng nhu cầu của người dân, huyện đã hỗ trợ kinh phí xây dựng 3 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài hơn 2,4 km. Hiện trên 60% tuyến đường trục chính của vùng sản xuất được trải bê tông, mặt đường rộng từ 3m trở lên. Và sắp tới đây, vùng nuôi thủy sản rộng 38 ha của xã Hoàng Diệu (huyện Gia Lộc) cũng sẽ được tỉnh đầu tư khoảng 14 tỷ đồng mở rộng và cứng hóa đường giao thông với tổng chiều dài gần 3 km; xây dựng tường kè chắn đất với tổng chiều dài khoảng 900 m.

Anh Nguyễn Đình Trung, thôn Lai Hà, xã Hoàng Diệu phấn khởi chia sẻ: “Nhiều năm nay, con đường dẫn vào vùng nuôi thủy sản của xã vẫn nhỏ hẹp và lầy lội, đi lại khó khăn. Do đó, dù công sức đầu tư như nhau nhưng giá bán sản phẩm lúc nào cũng thấp hơn các vùng khác do phải thêm chi phí vận chuyển ra ngoài đường lớn. Nếu được đầu tư hạ tầng giao thông, chắc chắn hiệu quả kinh tế sẽ tăng”.

Thanh Hiếu

Trong tháng 5/2024, ngành thủy sản vẫn duy trì và phát triển khá, diện tích nuôi ước đạt trên 12.500 ha, tăng 0,8% so cùng kỳ năm trước. Mô hình nuôi cá siêu thâm canh cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao được mở rộng ở các địa phương. Người dân mạnh dạn đầu tư trang thiết bị để nuôi cá mật độ cao, sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 5/2024 ước đạt gần 10.000 tấn, tăng 7% so cùng kỳ năm trước.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!