Hải Dương: Sản xuất thủy sản ổn định

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo Cục Thống kê Hải Dương, trong tháng 8/2024, sản xuất thủy sản của địa phương ổn định, dịch bệnh phát sinh ở mức độ nhẹ hơn so cùng kỳ; chủng loại và chất lượng giống thủy sản nuôi trồng ngày càng phong phú, phù hợp với điều kiện, đặc điểm mặt nước nuôi trồng.

Hiện, tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của địa phương ước đạt trên 12.500 ha, tăng 0,8% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 8/2024 ước đạt trên 10.000 tấn, tăng 7% so cùng kỳ năm trước.

Theo Sở NN&PTNT Hải Dương, địa phương phát triển thủy sản theo hướng đẩy mạnh nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ mới, phát triển nuôi lồng bè trên sông. Đặc biệt, nhiều mô hình “ao nổi” và “sông trong ao” đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình, năng suất mỗi mô hình “ao nổi” đạt từ 10 – 20 tấn cá/ha/năm, “sông trong ao” đạt 15 – 20 tấn/máng/năm.

Địa phương hiện có 214 vùng nuôi thủy sản tập trung với tổng diện tích khoảng 5.000 ha. Mỗi vùng có quy mô tối thiểu từ 5 ha trở lên. Có khoảng 90% diện tích nuôi thủy sản theo hình thức thâm canh và bán thâm canh. Diện tích nuôi thâm canh cho năng suất gấp 3 lần so với nuôi truyền thống.

Phương thức nuôi thủy sản lồng/bè được duy trì phát triển tốt. Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 huyện, thành phố, thị xã tham gia nuôi cá lồng trên sông; tổng số lồng 7.811 lồng. Sản lượng nuôi lồng năm 2023 ước đạt 24.097 tấn (tăng 8,1% so năm 2022). Ngoài các đối tượng cá truyền thống như cá rô phi đơn tính, cá trắm cỏ, cá chép, các lồng còn phát triển nhiều loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như như cá diêu hồng, cá nheo mỹ, cá trắm nuôi giòn, chép nuôi giòn, cá tầm,…

Để ứng phó trước biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và sự cố thiên tai trong mùa mưa bão nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của người nuôi trồng thủy sản, Sở NN&PTNT Hải Dương đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi sát diễn biến thời tiết, kịp thời chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở nuôi các biện pháp phòng chống nắng nóng và chủ động ứng phó với mưa bão lũ trong nuôi trồng thủy sản. Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai chuyên ngành thủy sản đáp ứng yêu cầu phương châm bốn tại chỗ và ba sẵn sàng.

Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản; sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; nuôi trồng thủy sản. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn người nuôi thực hiện tốt công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Rà soát, nhu cầu giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để phục hồi sản xuất ngay sau khi sự cố thiên tai xảy ra.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương hướng dẫn người nuôi đăng ký kê khai ban đầu với chính quyền địa phương. Khi có sự cố thiên ​tai xảy ra, hướng dẫn kịp thời việc xử lý sự cố để giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi, đồng thời tổng hợp thiệt hại (nếu có).

Lê Loan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!