Hải Hà (Quảng Ninh): Hiệu quả của những mô hình sản xuất mới

Chưa có đánh giá về bài viết

Tới Hải Hà hôm nay chúng tôi không chỉ thấy màu xanh của những đồi chè xanh rì như bấy lâu nay mà còn nhìn thấy màu xanh hy vọng của những mô hình phát triển sản xuất mới.

Nằm cách khá xa đất liền nên phải mất hơn nửa giờ đồng hồ ngồi trên chiếc thuyền máy, chúng tôi cập vào bè nuôi thuỷ sản của anh Ngô Văn Yên ở xã đảo Cái Chiên. Phải chọn địa điểm nuôi xa đất liền như vậy để đảm bảo môi trường nước tốt nhất cho vật nuôi, vùng nước sạch và lưu thông tốt, đáy biển có cát, ít tàu, thuyền qua lại, anh Yên giải thích. Được biết, trong khu vực nuôi trồng của mình, anh Yên đang thả nuôi giống tôm hùm thương phẩm, ngoài ra anh còn thả nuôi một số giống thuỷ sản có giá trị kinh tế cao như tôm xanh, ốc hương… 

Gia đình anh Ngô Văn Yên, xã Cái Chiên, huyện Hải Hà thu hoạch tôm hùm. 

Gia đình anh Ngô Văn Yên, xã Cái Chiên, huyện Hải Hà thu hoạch tôm hùm.

Anh Yên cho biết: Giống tôm hùm không có sẵn như các giống thuỷ sản khác ở các cơ sở sản xuất giống. Do đó, để có con giống tôm hùm, tôi phải lặn lội vào tận Nha Trang để mua. Đã nhiều năm lăn lộn với nghề nuôi tôm ở Phú Yên và khắp các tỉnh thành, tôi cũng đã tích luỹ được chút ít kinh nghiệm. Nhận thấy vùng biển Hải Hà rất thích hợp nên tháng 6/2011 tôi quyết định nhập 300 tôm hùm giống về nuôi thử nghiệm tại đây. Nuôi tôm hùm rất cầu kỳ, hơn nữa giống tôm hiếm nên giá cũng cao, đòi hỏi người nuôi tôm phải rất cẩn thận nếu không có thể mất trắng. Sau khi vận chuyển về, tôm giống phải được thay nước vùng biển nuôi vào từ từ, đến khi tôm thích ứng được thì mới thả vào lồng nuôi. Lồng nuôi tôm làm bằng khung quấn nhựa xung quanh để tăng độ bền và tránh hà, hàu bám, bao xung quanh khung là lưới sợi ni-lông, mắt lưới từ 2 – 2,5cm. Hiện tại số tôm hùm đang được chia làm ba ô nuôi với mật độ 100 con/15m2  ô lồng. Một ngày cho tôm ăn 2 lần với lượng thức ăn/khối lượng tôm nuôi là 20 – 25%, tuy nhiên, việc cho tôm ăn cũng phải được chú ý để đảm bảo tốc độ sinh trưởng của con tôm. Đồng thời hàng ngày phải kiểm tra tình hình sinh trưởng của tôm. Anh Yên vừa cười vừa nói: Nếu chăm sóc hợp lý, đúng kỹ thuật, điều kiện tự nhiên thuận lợi thì sau khi nuôi từ 18 – 20 tháng thì tôm được thu hoạch, trung bình nặng từ 0,6 – 0,8kg/con. Hiện nay, giá tôm hùm tương đối cao, trung bình 2 triệu đồng/kg nên cũng mang lại nguồn thu không nhỏ cho gia đình.

Nếu mô hình nuôi tôm hùm lồng bè của anh Ngô Văn Yên đang mở ra hướng nuôi trồng thuỷ sản mới ở vùng ven biển trong huyện Hải Hà thì mô hình trồng mía đường nguyên liệu đang là một trong số các mô hình thành công. Năm 2011, huyện Hải Hà ký kết với Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Đài Trang trên địa bàn huyện thực hiện dự án trồng mía đường để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy đường khu Phòng Thành, Quảng Tây (Trung Quốc) trong vòng 4 năm. Theo đó, Công ty là bên cung ứng giống, bao tiêu sản phẩm cho người trồng mía đường. Ban đầu, cây mía bắt đầu được đưa vào trồng thí điểm với diện tích 15ha tại thôn Tân Đức (xã Quảng Đức). Nhận thấy những lợi ích của việc trồng mía đường nguyên liệu, người dân trong huyện đã tích cực tham gia chuyển đổi diện tích sản xuất sang trồng mía. Hiện nay, cây mía đường nguyên liệu đã được triển khai trồng trên địa bàn 8 xã trong huyện Hải Hà với tổng diện tích trên 99ha. Theo ước tính diện tích mía trên địa bàn huyện sẽ cho năng suất bình quân đạt tới 80 – 100 tấn/ha, mang lại thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng/ha trong vụ thu hoạch.

Mô hình nuôi tôm hùm thương phẩm và trồng mía đường nguyên liệu chỉ là hai trong hàng chục mô hình sản xuất  đang triển khai hiệu quả trên địa bàn huyện Hải Hà. Chỉ tính riêng năm 2012, Hải Hà đã và đang triển khai 55 dự án xây dựng mô hình sản xuất mới như: Dự án mía đường nguyên liệu, dự án thay thế giống chè trung du bằng chè chất lượng cao, dự án rau sạch Quảng Minh, dự án nuôi trồng thuỷ sản, dự án nuôi gia súc, gia cầm, dự án trồng cây dược liệu, dự án nuôi tôm thẻ chân trắng…Tổng kinh phí thực hiện các dự án lên tới trên 17 tỷ đồng, được triển khai tại 15 xã trên địa bàn huyện; trong đó, nguồn vốn nhà nước hỗ trợ là trên 7 tỷ đồng và nguồn vốn do nhân dân đối ứng là 10 tỷ đồng. Bên cạnh việc hỗ trợ về nguồn vốn, huyện còn phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp hỗ trợ bà con về kiến thức khoa học kỹ thuật; bao tiêu sản phẩm; giống… Đến nay, nhiều mô hình thí điểm đạt hiệu quả kinh tế cao, được nhân rộng và triển khai ra diện rộng, với quy mô lớn, từng bước xây dựng vùng sản xuất tập trung như: Mô hình nuôi cua thương phẩm xã Tiến Tới; mô hình nuôi tôm chân trắng xã Cái Chiên và Quảng Điền; mô hình nuôi ngan Pháp xã Quảng Chính; mô hình nuôi cá rô Quảng Điền, Quảng Minh… Qua các mô hình còn giúp người nông dân có thêm nhiều kiến thức, hiểu biết, áp dụng vào sản xuất, canh tác từ đó cho hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho bà con. Đồng thời, từng bước nhân rộng, xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản đặc thù của địa phương. Đây cũng là một yếu tố quan trọng, góp phần đẩy mạnh việc phát triển các mô hình sản xuất cho hiệu quả cao, cải thiện đời sống người dân. Trong đó cái gốc của phát triển kinh tế của địa phương chính là sự phát triển kinh tế của mỗi người dân. Từ những mô hình sản xuất mới được áp dụng, phương thức canh tác theo tập quán cũ của bà con nông dân đã từng bước được thay thế bằng những phương thức mới. Các con giống, cây giống mới cho năng suất cao tích cực được đưa vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng diện tích sử dụng đất.

Cao Quỳnh

Báo Quảng Ninh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!