T2, 06/07/2020 10:11

Hải Phòng: Kiến Quốc được mùa rươi

Chưa có đánh giá về bài viết

Về Kiến Quốc (Kiến Thụy, Hải Phòng) vào những ngày tháng 10 âm lịch không khí thật nhộn nhịp. Xe đạp, xe máy nườm nượp chở rươi từ đầm bãi ngoài đê về khu chợ thủy sản. Tại đây, các xe ô tô tải đã chờ sẵn để đóng hàng chở đi khắp nơi tiêu thụ. Nhiều người dân ở Kiến Quốc có thu nhập khá từ việc khai thác rươi.

Cả làng vớt rươi

– Hôm nay rươi đầm bãi trên nổi!

Nhà nhà truyền tai nhau thông tin nóng nhất trong ngày. Con đường từ chợ thủy sản trung tâm xã dẫn xuống khu đầm bãi trên nhộn nhịp, từng đoàn người rủ nhau đi vớt rươi. Nào lưới, nào vợt, nào rổ rá, mỗi người mỗi thứ đồ nghề. Mỗi người tự chọn cho mình chỗ đứng thích hợp để có thể vớt được nhiều rươi. Cả bãi triều ngập trong làn nước phù sa màu nâu nhạt, rươi ùn ùn ngoi lên mặt nước. Tại đầm bãi trên, hàng chục nhân công được chủ đầm thuê săm rươi. Người khơi bờ ruộng cho nước chảy, giăng mành mành rộng theo hình phễu, người đơm đó để rươi cứ thế chảy vào. Loáng một chốc, rươi đã đầy ắp trên thuyền, chở vào bờ để đóng hộp xốp cho các chủ hàng mua buôn đang xếp hàng trực sẵn.  

Ông Phạm Đăng Gót, chủ đầm bãi trên ở Kiến Quốc vui vẻ cho biết: “Về Kiến Quốc dịp tháng 10 âm lịch không thể không mua ít rươi đầm cửa sông Văn Úc về làm quà. Rươi ở Kiến Quốc có màu vàng, to con và nhiều sữa bột, khi chế biến thơm ngon hơn rươi ở các địa phương khác. Đặc biệt, rươi Kiến Quốc nổi muộn hơn các địa phương khác, nổi theo từng xứ đồng. Nếu các địa phương khác, rươi thường nổi từ giữa tháng 9 âm lịch và hết vào khoảng mồng 5 – 10 tháng 10 âm lịch thì rươi đầm nước lợ Kiến Quốc bắt đầu nổi từ mồng 5 đến hết tháng 10 âm lịch, có năm rươi còn nổi đến tận cuối tháng 11 âm lịch. Do sống trong đất ở ruộng lúa ven cửa sông ra biển nên rươi Kiến Quốc có màu hồng, sữa căng mọng… Hôm nay đúng ngày mồng 5 tháng 10, nên đầm bãi trên rộng 29 ha của tôi thu được gần 1 tấn rươi”.

Bà Đào Thị Dân, người buôn rươi cho biết: “Tại Kiến Quốc có khoảng 10 chủ mua buôn rươi với số lượng lớn. Tôi xếp hàng từ tờ mờ sáng để cùng chủ đầm thu mua rươi. Vớt rươi đến đâu là phải đóng hàng, chở xe máy ra chợ thủy sản đến đấy. Phần lớn rươi chở đi bán cho các nhà hàng và tỉnh bạn, còn lại bán cho những người bán lẻ ở Kiến Quốc. Giá rươi tăng, giảm theo từng giờ. Lúc 300 nghìn đồng/kg, lúc xuống 250 nghìn đồng/kg. Có ngày rươi nổi mà những người mua buôn ở Kiến Quốc không mua nổi hàng do khó cạnh tranh với những chủ buôn lớn từ nội thành và các địa phương khác về đặt hàng số lượng lớn mang đi Trung Quốc”.

Ngoài lượng rươi đánh bằng săm, chủ đầm cho người dân trong vùng vớt rươi bằng biện pháp thủ công ở khu vực mương chung, cùng chia sẻ “lộc trời”.  

Người dân xã Kiến Quốc (huyện Kiến Thụy) ra đầm vớt rươi. 

Người dân xã Kiến Quốc (huyện Kiến Thụy) ra đầm vớt rươi.

 

Làm giàu nhờ rươi, không ít công phu

Theo ông Đào Văn Lập, Chủ tịch UBND xã Kiến Quốc, hiện ở xã có hơn 100 ha đầm thủy sản tự nhiên ngoài đê, ngay sát khu vực cửa sông Văn Úc, tầm thu hoạch lúa mùa xong cũng là thời điểm nước mặn lấn đồng, đây cũng là thời điểm rươi nổi. Người dân ở đây chỉ cần ngắm mưa đoán được lúc rươi lên. Những người có kinh nghiệm họ phân biệt rõ thế nào là rươi hoa, rươi xăm, rươi câu, rươi chiêm và rươi mùa. Điểm đặc biệt là rươi Kiến Quốc nổi ở từng xứ đồng với thời điểm chệch nhau chứ không nổi đồng loạt một ngày. Khu đồng Cói dưới là khu đồng có rươi đặc biệt to và ngon, thường nổi muộn nhất vùng. Nhiều nhà hàng nổi tiếng ngoài Hải Phòng cứ căn lịch là gọi điện đến đặt hàng trước nên hiếm khi có rươi bán ở chợ. Đến mùa rươi, nhiều người dân ở Kiến Quốc có thu nhập lớn.

“Với mức giá dao động 250-300 nghìn đồng/kg, mùa rươi cho thu nhập lớn nhưng làm rươi rất vất vả, mất nhiều công phu chứ không dễ như nhiều người tưởng”- ông Phạm Đăng Gót, chủ đầm bãi trên cho biết. Với 29 ha vùng đồng ngoài đê, chúng tôi chỉ cấy lúa 1 vụ, trong quá trình gieo cấy không được sử dụng các loại thuốc trừ sâu, chủ yếu tạo gốc rạ, đồng đất để rươi có nơi trú ngụ, ngủ dưới bùn suốt từ tháng giêng đến tháng 10 âm lịch. 7 chủ đầm nuôi lớn ở Kiến Quốc phải thuê chuyên gia về hướng dẫn kỹ thuật từ việc tạo đồng bãi như thế nào, thu hoạch, bảo quản rươi như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất, chứ không chỉ khai thác thủ công, dựa hoàn toàn vào tự nhiên như trước đây. Mỗi khi tính được ngày rươi nổi, chủ đầm phải cùng người làm thuê dậy từ nửa đêm, canh lấy nước triều cường vào đầm nhà mình để rươi chui từ dưới lòng đất lên, đến khi trời sáng thì phải tháo nước ra để rươi theo dòng chảy vào săm lưới”.

Ông Bùi Trọng Tuấn, một “chuyên gia” kiêm chủ thu mua rươi lớn nhất Hải Phòng cho biết: “Gia đình tôi có 3 đời làm nghề khai thác rươi ở Gia Đức (Thủy Nguyên). Mấy năm gần đây, rươi là mặt hàng được phía Trung Quốc thu mua với giá cao gấp 2 lần giá trong nước nên ngoài khai thác rươi ở vùng bãi triều khu vực Thủy Nguyên, tôi phải đi về các vùng nổi tiếng về rươi ở Hải Phòng như Kiến Quốc, Ngũ Phúc (Kiến Thụy), Khởi Nghĩa, Vinh Quang, Hùng Thắng (Tiên Lãng), Giang Biên, Hòa Bình (Vĩnh Bảo)…để hướng dẫn các chủ đầm lớn kỹ thuật tạo vùng rươi, khai thác rươi hiệu quả, đồng thời ký hợp đồng thu mua trước với các chủ đầm. Rươi Kiến Quốc nổi tiếng ngon nên năm nay, chúng tôi ký hợp đồng mua với số lượng lớn. Rất may là từ đầu vụ đến nay, Kiến Quốc được mùa rươi. Đầm nào ngày rươi nổi, ít cũng vớt được 5-7 tạ”.

Vùng đầm bãi Kiến Quốc đang bước vào vụ rươi được đánh giá là sẽ “được mùa” nhất từ trước đến nay. Với giá trung bình 250.000 đồng/kg rươi,  nhiều gia đình đông lao động trong xã đi vớt rươi có thu nhập tới 15-20 triệu đồng từ mùa rươi này. Nhiều chủ đầm rươi có thu nhập hàng trăm triệu đồng sau mỗi đợt rươi nổi.

Hoàng Yên

Báo Hải Phòng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!