(TSVN) – Để khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước do chất thải trong ao gia tăng, Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu thành công và tiến hành chuyển giao công nghệ để thực hiện mô hình nuôi thâm canh cá rô phi nước lợ bằng công nghệ Biofloc với quy mô 0,5 ha và 20 hộ dân tham gia.
Mô hình được triển khai tại phường Tân Thành, quận Dương Kinh (TP Hải Phòng), có sự phối hợp với Công ty Thủy sản Hoàng Hương, thời gian từ tháng 1/2022 đến cuối năm 2022. Sau 8 tháng nuôi cá sinh trưởng và phát triển tốt, có tốc độ sinh trưởng cao hơn phương pháp nuôi truyền thống trước đây từ 20 – 30%, các yếu tố môi trường ổn định. Dự kiến đến cuối năm thu hoạch, các chỉ tiêu đạt: Mật độ nuôi 6 con/m2; thời gian nuôi >150 ngày/vụ; tỷ lệ sống trên 90%; cá đạt 500 g/con; năng suất đạt 30 tấn/ha; hệ số thức ăn 1,22 – 1,3; Tỷ suất lợi nhuận và hiệu quả kinh tế khi áp dụng quy trình cao hơn so với nuôi theo quy trình thông thường tại Hải Phòng từ 1,7 – 2,1 lần, lãi ròng 300 triệu đồng/ha. Dự kiến, mô hình sẽ thu được trên 16 tấn cá thương phẩm kích cỡ >500 g/con, đảm bảo tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nuôi cá rô phi thương phẩm theo công nghệ Biofloc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Aquapona
Trong quá trình triển khai mô hình, Công ty Thủy sản Hoàng Hương cùng với Sở KH-CN TP Hải Phòng, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, trực tiếp là Trạm Khuyến nông Liên quận đã tăng cường phối hợp với các bên liên quan, hỗ trợ thực hiện dự án đạt hiệu quả, sát với cơ sở được triển khai, cử cán bộ khuyến nông theo dõi.
Trạm khuyến nông Liên quận cho biết, mô hình đã góp phần đưa đối tượng nuôi mới với giá trị kinh tế cao sản xuất, thúc đẩy nghề nuôi trồng thuỷ sản phát triển. Bên cạnh đó, việc chuyển giao công nghệ thành công cũng giúp đa dạng ngành nghề, nâng cao chất lượng đời sống xã hội của người dân ven biển, tạo việc làm, giúp người dân từng bước làm chủ công nghệ trong nuôi trồng thủy sản…
Anh Vũ