Hải sâm: Tiềm năng mới của ngành thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hải sâm có giá trị rất cao cả về dinh dưỡng và kinh tế, thế nên, đối tượng nuôi này đã và đang ngày càng được chú trọng đầu tư. Hơn nữa, nuôi hải sâm còn được coi là giải pháp tích cực trong vấn đề bảo vệ môi trường nước. Do vậy, có rất nhiều địa phương mở rộng mô hình nuôi hải sâm, nhất là trong nuôi ghép.

Nhân rộng mô hình

Trên thế giới hiện có 1.400 loài hải sâm nhưng chỉ có 40 loài ăn được. Trong đó, hải sâm cát là mặt hàng có giá trị dinh dưỡng cao nhất. Trước đây, hải sâm cát trong tự nhiên ở các vùng ven biển Việt Nam rất nhiều. Qua khảo nghiệm, vùng biển Nam Trung bộ có nhiệt độ ổn định, nhiều đầm, vịnh nên hải sâm nuôi nhanh lớn hơn những khu vực khác.

Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam do tình trạng khai thác quá mức đã dẫn tới cạn kiệt nguồn hải sâm trong tự nhiên. Nhiều địa phương đã cho thử nghiệm và nhân rộng mô hình nuôi hải sâm. Thế nhưng, ban đầu hiệu quả không cao do đầu ra bấp bênh, chất lượng con giống không đáp nhu cầu nuôi nên nhiều người nuôi không mặn mà.

Nuôi hải sâm hiện đang là hướng đi rất hiệu quả tại nhiều địa phương ven biển miền Trung. Ảnh: VOV

Năm 2008, Viện Nghiên cứu NTTS III đã hoàn thành đề tài về nghiên cứu sản xuất giống, hoàn thành quy trình nuôi thương phẩm hải sâm cát. Đến nay, các nhà khoa học Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất giống hải sâm cát, đồng thời, đã hình thành được chuỗi liên kết từ sản xuất con giống đến thu mua, chế biến, xuất khẩu.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hải sâm ăn mùn, bã hữu cơ, làm sạch cho môi trường nuôi. Nuôi ghép với những đối tượng thủy sản khác rất hiệu quả. Loài này rất phù hợp với người dân vì đầu tư, chi phí nuôi thấp, không cần bổ sung thức ăn nhiều. Mô hình nuôi này rất phù hợp với các hộ gia đình ven biển ít vốn sản xuất.

>> Ông Lê Thanh Nhàn, Giám đốc Công ty CP Hải sâm Việt Nam cho biết, hải sâm cát phù hợp nuôi ở vùng miền Trung, độ mặn ổn định, nhiệt độ ổn định và kín gió. Nông dân tại đây có kinh nghiệm nuôi cá thể ở biển, nuôi cũng rất đơn giản. Bà con hợp tác theo chuỗi giá trị cho thu nhập ổn định. Mô hình này có độ rủi ro dịch bệnh rất thấp, nhu cầu sản phẩm trên thị trường thế giới rất lớn, đầu ra luôn luôn thiếu. Hiện, doanh nghiệp đang liên kết sản xuất với người dân thả nuôi gần 50 ha, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hải sâm với số vốn 5 triệu USD, công suất 900 tấn sản phẩm/năm.

Chú trọng đầu tư

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, Việt Nam là quốc gia đã làm chủ công nghệ về hải sâm cát. Hải sâm cát có cơ hội trở thành ngành hàng thủy sản mới, có giá trị cao nếu như xây dựng được chuỗi liên kết bền vững. Đây cũng là giải pháp để ngư dân đánh bắt ven bờ chuyển sang nuôi trồng hải sâm.

Tại Khánh Hòa, hải sâm cát được biết đến nhiều ở các vùng phía Nam của tỉnh như Cam Ranh, Cam Lâm. Trước đây, vùng này có nguồn hải sâm tự nhiên khá dồi dào. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức đã dẫn đến trữ lượng hải sâm sụt giảm nghiêm trọng. Do đó, người dân bắt đầu nghiên cứu và nuôi hải sâm trên cát. Nhưng ở thời điểm đó, hầu hết các hộ nuôi hải sâm còn mang tính tự phát, chưa biết lựa chọn vùng nuôi thích hợp, chứa đựng nhiều rủi ro khi mùa mưa tới hải sâm có thể chết, chưa nắm bắt kiến thức quy trình nuôi an toàn…

Để không bỏ lỡ tiềm năng loài nuôi này, Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Trung đã tiến hành nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển, sinh sản của hải sâm, xây dựng quy trình nuôi hải sâm kết hợp với nhiều đối tượng nuôi khác theo hướng VietGAP để đạt năng suất cao nhất, lợi ích kinh tế tốt nhất, đồng thời đảm bảo môi trường. Vậy nên, nhiều hộ dân, nhất là những hộ nuôi tôm thường xuyên bị thua lỗ do dịch bệnh đã chuyển đổi những ao nuôi tôm sú, ốc hương sang nuôi hải sâm, đặc biệt là mô hình nuôi kết hợp.

Trong một khảo sát mô hình nuôi hải sâm, ốc hương và rong nho tại Khánh Hòa cho thấy hiệu quả khá cao. Kết quả, năng suất ốc hương đạt 3,1 tấn/ha, hải sâm 3,5 tấn/ha, rong nho 3,8 tấn/ha mỗi năm. Nghiên cứu cũng cho thấy, việc nuôi kết hợp có thể khống chế các chất độc (NH3 và NO2) để luôn đảm bảo giới hạn cho phép. Trong các ao nuôi theo quy trình mới này, các tác nhân gây bệnh gồm nấm, ký sinh trùng và vi khuẩn đều thấp, không gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của các đối tượng nuôi. Trên ốc hương không xuất hiện các bệnh thường gặp do vi khuẩn Vibrio sp. gây ra; các bệnh thường gặp do ký sinh trùng hay nấm đều ít xuất hiện ở cả ốc hương, hải sâm và rong biển. Xét hiệu quả kinh tế, mô hình hình nuôi kết hợp đem lại hiệu quả kinh tế gần 300 triệu/ha/vụ.

Cũng tại khu vực Nam Trung bộ, tỉnh Quảng Ngãi cũng là địa phương có nhiều lợi thế để hải sâm phát triển. Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi thử nghiệm thành công mô hình nuôi ghép ốc hương với hải sâm thương phẩm tại huyện Mộ Đức, mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng cho người dân. Trước đó, mô hình này cũng đã được triển khai khá hiệu quả tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.

Mô hình được triển khai trên quy mô 1.700 m2 tại vùng nuôi trên cát ở xã Đức Thắng (huyện Mộ Đức). Số lượng thả nuôi gồm thả khoảng 510.000 con ốc hương và 510 con hải sâm. Qua hơn 5 tháng thả nuôi, ốc hương có tỷ lệ sống ước đạt 80%, trọng lượng bình quân 120 con/kg; hải sâm có tỷ lệ sống ước đạt 75%, trọng lượng bình quân đạt 230 g/con. Sau khi trừ các khoản chi phí, mô hình còn lãi trên 210 triệu đồng.

Theo đánh giá của Trung tâm, ốc hương và hải sâm là hai đối tượng nuôi ghép phù hợp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường ao nuôi, từ đó góp phần hạn chế dịch bệnh trong quá trình nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi hải sâm, đặc biệt là nuôi kết hợp đang được nhiều địa phương ven biển ở miền Trung triển khai. Tuy nhiên, để đảm bảo phát triển rộng mô hình nuôi hải sâm cát hiệu quả và bền vững, theo ông Trần Đình Luân, trong thời gian tới các tỉnh ven biển nên gắn kết vào định hướng quy hoạch chung đặc biệt là lĩnh vực thủy sản; gắn kết chuỗi kinh tế tuần hoàn để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế.

>> Vừa qua, Viện Nghiên cứu NTTS III đã thực hiện đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen hải sâm vú (Holothuria nobilis Selenka, 1867). Đây là đề tài nhiệm vụ khoa học - công nghệ quỹ gen cấp quốc gia được thực hiện với mục tiêu bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Ngoài ra, đề tài đã triển khai các mô hình nuôi thương phẩm ở nhiều loại mô hình và điều kiện khác nhau. Trong đó, mô hình nuôi thương phẩm 2 giai đoạn được đánh giá hiệu quả nhất, nuôi hải sâm trong lồng treo giai đoạn con giống đến 200 g/cá thể và tiếp tục nuôi trong lồng chìm đến kích thước thương phẩm.

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!