(TSVN) – Thủy sản là lĩnh vực xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam. Thế nên, sau khi bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” thì kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường châu Âu bị giảm đáng kể. Điều đáng nói, dù chỉ sản phẩm hải sản xuất khẩu bị cảnh báo tại EU, thế nhưng, nhiều loại thủy sản có thể bị vạ lây.
Theo báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU): Trường hợp Việt Nam” được công bố mới đây, ngành thủy sản của Việt Nam đã phát triển thành ngành công nghiệp theo định hướng hàng hóa với kim ngạch xuất khẩu gần 9 tỷ USD mỗi năm. Khoảng 8,5 triệu người (10% tổng dân số) có thu nhập chính trực tiếp hoặc gián tiếp từ nghề cá. Tính đến năm 2019, cả nước đã sản xuất khoảng 8,2 triệu tấn thủy sản, trong đó thủy sản khai thác chiếm 46% và thủy sản nuôi trồng chiếm 54%.
Là một nước đóng vai trò quan trọng trên thị trường toàn cầu, Việt Nam đã ưu tiên phát triển ngành thủy sản bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam đang gặp một số thách thức, trong đó có các vấn đề liên quan đến khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và an toàn thực phẩm.
EU là thị trường định hướng, mở đường cho thủy sản Việt Nam vào thị trường thế giới. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đã tăng mạnh trong 20 năm qua, từ 90 triệu USD năm 1999 lên gần 1,5 tỷ USD năm 2017. Tuy nhiên, năm 2017, EU cảnh báo “thẻ vàng” đối với Việt Nam do không hợp tác và không đủ nỗ lực chống khai thác thủy sản IUU. Trong hơn 2 năm qua, Việt Nam đã tích cực cải thiện theo các khuyến nghị của EU nhằm gỡ bỏ “thẻ vàng”. EU cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU, tuy nhiên, đến nay, “thẻ vàng” vẫn chưa được gỡ bỏ. Điều này đã tác động lớn đến xuất khẩu thủy sản của nước ta sang thị trường EU. Bằng chứng là kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này giảm xuống còn gần 1,3 tỷ USD năm 2019.
Báo cáo này cũng nhấn mạnh rằng đó chỉ là một phần của tác động tiêu cực. Bởi sẽ còn có nhiều hệ lụy khác từ cảnh báo “thẻ vàng” IUU và ảnh hưởng sẽ nghiêm trọng hơn nếu Việt Nam không sớm gỡ được “thẻ vàng” và bị cảnh báo “thẻ đỏ”.
Theo nội dung bản Báo cáo, năm 2018, một năm sau khi bị EC cảnh báo “thẻ vàng” kết quả xuất khẩu của tất cả các sản phẩm thủy sản sang thị trường EU chưa cho thấy tác động tiêu cực rõ ràng. Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng hải sản giảm 6%. Trong đó, xuất khẩu bạch tuộc giảm 22%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm 19%, cua giảm 14% và các loài cá biển khác giảm 4%. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ sang EU năm đó vẫn tăng 12%. Tuy nhiên, so với đà tăng trưởng mạnh của cá ngừ trong năm 2016 (tăng 18%) và năm 2017 (tăng 23%), kết quả này phản ánh xu hướng tăng trưởng chậm lại.
Thế nhưng, sang năm 2019, xuất khẩu thủy sản sang EU giảm sút rõ ràng, mức giảm là 12% so với năm 2018 (tương đương 183,5 triệu USD); trong đó xuất khẩu hải sản giảm 5%, thủy sản nuôi giảm 15%. Đặc biệt, 3 mặt hàng hải sản xuất khẩu chính giảm mạnh là bạch tuộc (19%), cá ngừ (12%) và nhuyễn thể hai mảnh vỏ (119%), trong khi các sản phẩm hải sản khác tăng 14%.
Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản giảm trên 10% sau 2 năm, tương đương giảm 43 triệu USD; trong đó, bạch tuộc giảm mạnh nhất 37%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm 11%, cá ngừ giảm gần 2%, cua giảm 11%. Xuất khẩu các sản phẩm nuôi trồng sang EU cũng giảm 13% từ năm 2017 đến năm 2019.
Đặc biệt, xu hướng giảm này tiếp tục kéo dài hơn nữa vào năm 2020, nhất là trong bối cảnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác cũng như chứng nhận khai thác đối với nguyên liệu hải sản xuất khẩu sang EU.
Nguyên nhân là trong thời gian bị cảnh báo “thẻ vàng”, 100% container hàng thủy sản xuất khẩu sang EU bị tạm giữ để kiểm tra nguồn gốc. Quá trình này có thể mất nhiều thời gian, lên đến 3 – 4 tuần và tốn chi phí khoảng 700 USD/container. Ngoài ra, phí cảng và các rủi ro khác cũng phát sinh. Rủi ro lớn nhất là một tỷ lệ lớn các container sẽ bị từ chối và trả lại, gây tổn thất nặng nề.
Bản báo cáo đánh giá cũng phân tích thêm rằng, nếu Việt Nam không sớm gỡ được cảnh báo “thẻ vàng” thì nguy cơ rủi ro bị “thẻ đỏ” rất cao. Nếu trường hợp xấu này xảy ra, thiệt hại sẽ rất lớn.
Theo đó, tổng thiệt hại đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU do “thẻ đỏ” là khoảng 480 triệu USD. Mặc dù các nhà sản xuất có thể tìm được thị trường thay thế, tuy nhiên, mức độ hấp thụ từ các thị trường này thế nào chưa thể khẳng định được. Cùng đó, sẽ có những tác động gián tiếp đến nuôi trồng thủy sản.
Thêm nữa, EU là thị trường chi phối thế giới nên việc nhận “thẻ đỏ” có thể gây ảnh hưởng đến các thị trường khác. Bên cạnh việc cấm tất cả các sản phẩm thủy sản từ một quốc gia bị “thẻ đỏ” từ thị trường EU, các thị trường khác có thể áp dụng các hạn chế tương tự đối với các sản phẩm thủy sản từ quốc gia này. Cùng đó, các tác động bao gồm rủi ro đối với danh tiếng, kiểm soát hải quan nghiêm ngặt của các cơ quan quản lý nhập khẩu, và đặc biệt, không tận dụng được thuế quan ưu đãi của EVFTA.
Hơn nữa, lệnh cấm sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín của các sản phẩm thủy sản Việt Nam nói chung. Các thị trường khác như Mỹ hoặc Nhật Bản có thể làm theo quy định IUU của EC.
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 16 – 18 tỷ USD vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản bình quân hàng năm phải là 7 – 9% trong 10 năm tới. Với kịch bản “thẻ vàng” không được gỡ bỏ, tốc độ 9%/năm chắc chắn không thể đạt được. Khi đó, nền kinh tế thủy sản suy giảm sẽ ảnh hưởng đến đời sống của ít nhất 4,7 triệu lao động Việt Nam và tác động mạnh đến các ngành khác do thay đổi cơ cấu lao động của ngành thủy sản.
Hồng Hà